Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với 500 giường kế hoạch, là bệnh viện đầu ngành trong chăm sóc sức khỏe nhân dân trong lĩnh vực Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận. Với đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản, trình độ chuyên môn vững vàng, hệ thống trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ công tác được giao và hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế, trước nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh thực hiện đầu tư, nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính và thanh toán BHYT…, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, quản lý bệnh viện và làm hài lòng người bệnh.
Nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong Bệnh viện nên ngay từ những ngày mới thành lập, Bệnh viện đã xây dựng phòng CNTT và chú trọng vào việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ. Hiện nay, phòng CNTT của bệnh viện có 7 cán bộ, trong đó có 6 cán bộ đạt trình độ đại học trở lên. Đây đều là những cán bộ trẻ, nhạy bén và ham học hỏi trong việc cập nhật và tiếp cận những thông tin mới, những thay đổi chóng mặt trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước và thế giới.
Khoa khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi) trung bình mỗi ngày đón tiếp từ 300 đến 350 lượt bệnh nhân. Trước đây, bệnh nhân đến khám phải xếp hàng nhận số thứ tự và chờ đến lượt khám. Hiện nay, bệnh viện đã trang bị cây lấy số tự động và hệ thống gọi khám tự động, giúp giảm tối đa tình trạng chen lấn và phân loại bệnh nhân đến khám bệnh, tạo môi trường bệnh viện chuyên nghiệp, giúp bệnh nhân đến khám bệnh cảm thấy thoải mái trong thời gian chờ đợi. Bệnh viện lắp đặt hệ thống camera theo dõi 24/24 quy trình đón tiếp, ứng xử và khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và nhân viên y tế. Đồng thời, bệnh viện chú trọng việc truyền thông và cung cấp thông tin cho bệnh nhân, thông qua việc trang bị và lắp đặt các chương trình truyền thông, giải trí trên màn hình LCD tại những khu vực chờ.
Phần mềm Quản lý Bệnh viện được đồng bộ hóa xuyên suốt từ khâu tiếp đón người bệnh, khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú, cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Hiện nay, việc phần mềm quản lý bệnh viện đã thực hiện các chức năng như: Quản lý tiếp nhận – khám bệnh; Quản lý cận lâm sàng (Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng – Xét nghiệm); Quản lý điều trị nội trú; Quản lý dược, vật tư; Quản lý viện phí; Quản lý Nhà thuốc bệnh viện; Quản lý Dữ liệu báo cáo BHXH; Quản lý số liệu báo cáo giao ban; Quản lý kho đồ vải; Quản lý kho máu; Biên lai…
Với việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT, thực hiện Kế hoạch số 1418 của Bộ Y tế về ứng dụng CNTT trong việc thanh toán BHYT và triển khai liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, Bệnh viện Sản- Nhi tiếp tục chỉ đạo các khoa, phòng triển khai thực hiện ứng dụng CNTT. Cụ thể như, Phòng kế hoạch tổng hợp chịu trách nhiệm xây dựng mã danh mục kỹ thuật dịch vụ, quy trình thanh quyết toán BHYT theo quy định mới; Khoa Dược – Vật tư có trách nhiệm xây dựng mã danh mục thuốc, vật tư y tế; phòng Tài chính kế toán giám sát, kiểm tra dữ liệu đầu ra; Phòng Công nghệ thông tin chịu trách nhiệm kỹ thuật, cập nhật bộ mã danh mục vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, xây dựng ứng dụng trích xuất dữ liệu theo yêu cầu và các khoa, phòng khác phối hợp thực hiện. Các khoa phòng đã triển khai và cập nhật các thông tin của bệnh nhân lên cổng thông tin điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cán bộ giám định BHYT, các y, bác sỹ và người khám, chữa bệnh bằng BHYT.
Hiện nay, khi người bệnh đến khám, tất cả thông tin hành chính, chi phí khám, chữa bệnh sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu của bệnh viện. Cơ sở dữ liệu này được chuẩn hóa theo định dạng chuẩn của danh mục dùng chung để thống nhất trên toàn quốc. Sau đó, các thông tin từ phần mềm quản lý bệnh viện sẽ được truyền tới một máy tính mà cơ quan BHXH đặt tại bệnh viện để tiếp nhận riêng nhánh về chi phí khám, chữa bệnh BHYT và tiếp tục chuyển về cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam. Khi đó, cơ quan BHXH tỉnh đều có thể cập nhật, tiếp nhận, tiến hành giám định. Chức năng giám định điện tử của tiện ích phần mềm sẽ lọc ra những chi phí trùng lặp, sai giá mà trước đây các giám định viên BHYT phải dò từng mục, từng dòng…. Tiện ích của phần mềm cũng sẽ giúp cho cán bộ BHXH nhận ra những dấu hiệu nghi ngờ về thanh toán BHYT để tổ chức giám định tập trung thông qua bệnh án tại bệnh viện và đưa ra kết luận. Tất cả các hoạt động đều được kết nối với trang web của BHXH Việt Nam và người bệnh có thể tự tra cứu về chi phí khám, chữa bệnh của mình nhưng vẫn bảo đảm được bí mật thông tin về sức khỏe.
Việc ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh đã tạo thuận lợi rất nhiều cho không chỉ bệnh nhân, người nhà của họ mà với cả đội ngũ cán bộ y, bác sỹ bệnh viện:
– Giúp bệnh viện quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chống thất thoát viện phí, kiểm soát sử dụng thuốc, vật tư hợp lý an toàn.
– Về phía bệnh nhân: giảm ùn tắc, giảm thời gian chờ khám, thanh toán, công khai minh bạch tài chính. Việc kê đơn thuốc được in trên giấy rõ ràng, dễ đọc…
– Về phía bác sỹ và cán bộ bệnh viện: giảm tải các giấy tờ hành chính, tăng thời gian khám điều trị cho người bệnh, từ đó làm tốt hơn công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe, chăm sóc bệnh nhân và người nhà tuân thủ điều trị tốt hơn.
– Về phía dược sỹ, thủ kho vật tư: dễ dàng quản lý các loại thuốc, vật tư, nguồn thuốc, vật tư cấp phát cho bệnh nhân và nhanh chóng nắm được số lượng các loại thuốc, vât tư hiện có trong kho mình quản lý để có kế hoạch tham mưu bổ sung thuốc, vật tư khi cần thiết.
– Về phía bộ phận tham mưu: sẽ nhanh chóng lấy được các số liệu cần thiết để tham mưu và điều chỉnh kế hoạch hoạt động cho phù hợp.
– Về phía lãnh đạo Bệnh viện: Từ số liệu do phần mềm kết xuất, có thể chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh các hoạt động bệnh viện đạt hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức của các cán bộ CNTT để đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ vào việc quản lý khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng bệnh viện hướng tới sự hài lòng của người bệnh.