Ngày 13/06/2022, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tiếp nhận 1 trường hợp bé gái 2 ngày tuổi từ tuyến dưới với tình trạng sốc kèm theo bụng chướng nhiều, chưa đi ngoài phân su sau sinh, xquang có hơi tự do ổ bụng. Trẻ được chẩn đoán: Viêm phúc mạc do thủng ruột, có chỉ định mổ cấp cứu.
Bệnh nhân được chuyển xuống khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức trong tình trạng sốc, nguy cơ tử vong bất kì lúc nào. Sau khi gây mê nội khí quản, quá trình phẫu thuật các phẫu thuật viên khoa Ngoại phát hiện ổ bụng của trẻ toàn phân su, các phẫu thuật viên đã làm sạch ổ bụng tìm căn nguyên tổn thương thì phát hiện đoạn hồi tràng cách góc hồi manh tràng khoảng 20cm có 1 đoạn ruột non hoại tử có lỗ thủng gây tràn phân su vào ổ bụng, phía dưới đoạn thủng hồi tràng bít tắc toàn phân su đặc quánh bịt kín lòng hồi tràng.
Đoạn ruột hoại tử và lỗ thủng ruột non của bệnh nhi (chụp trong mổ)
Chẩn đoán trong mổ: Viêm phúc mạc phân su. Là một viêm phúc mạc do thủng ruột làm phân su tràn vào khoang phúc mạc. Viêm phúc mạc hóa học xảy ra với các kết thể và vôi hóa trong ổ bụng. Thường chỗ thủng sẽ được bao bọc tạo nên một nang giả chiếm hết gần 1/3 thể tích khoang bụng.Viêm phúc mạc phân su có tần suất là 1/35.000 trẻ sinh sống, ở trẻ da đen nhiều hơn da trắng. Nguyên nhân gây tắc đường tiêu hóa: teo ruột, xoắn ruột, tắc ruột phân su, bệnh Hirschsprung, dây chằng bẩm sinh, thoát vị nội, hội chứng nút phân su…)
Các phẫu thuật viên đã làm sạch ổ bụng, bơm thông ruột non, đại tràng, cắt đoạn ruột hoại tử + dẫn lưu hồi tràng ra da. Sau mổ nhờ sự cố gắng của các y bác sĩ khoa Sơ sinh ngày 8 trẻ có thể rút ống nội khí quản tự thở khí phòng, dẫn lưu hồi tràng ra phân vàng sau 2 ngày.
BSCKII. Phạm Văn Đạt (trưởng kíp mổ) thăm bệnh và kiểm tra hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân tại khoa Sơ sinh
Sau mổ 17 ngày trẻ được ra viện trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, ăn tiêu, lên cân, dẫn lưu hồi tràng ra phân vàng và sự hạnh phúc của gia đình cùng các y bác sĩ điều trị. Sự thành công của ca bệnh là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chẩn đoán và điều trị của các khoa phòng trong bệnh viện đặc biệt là hồi sức trước trong và sau mổ ở trẻ sơ sinh.
Khuyến cáo!
Vì biến chứng của tắc ruột nói chung, tắc ruột phân su nói riêng xảy ra ở trẻ sơ sinh đều nặng nề và đe dọa tính mạng đến tính mạng của trẻ, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các trẻ sau sinh, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa sơ sinh khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: nôn trớ nhiều, bú kém, bụng chướng, thành bụng phù nề, chậm đi ngoài phân su (sau 24h),…
Khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời trẻ có thể được điều trị bảo tồn không cần phẫu thuật hoặc phẫu thuật chủ động khi có nguy cơ thủng ruột, hoặc trong trường hợp có biến chứng thủng ruột khi được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng trẻ, giảm tỷ lệ tử vong do tắc ruột phân su./.
Bác sĩ. Đặng Thế Quỳnh
Khoa Ngoại nhi – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh