Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 15/7/2020 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 456 trường hợp mắc tay chân miệng tại tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố. Để triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và các bệnh mùa hè, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não ở trẻ em và bệnh tay chân miệng cho 130 cán bộ y tế của các Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa, 7 trung tâm y tế huyện, thị xã và các Bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh. TS.BS. Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực – Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi trung ương báo cáo các nội dung của buổi Hội thảo.
Viêm não cấp là một bệnh nhiễm khuẩn cấp hệ thần kinh trung ương, nguyên nhân chủ yếu là do virus, lây truyền trung gian qua muỗi đốt. Bệnh có một số triệu chứng như: sốt liên tục 39-40 độ C, nhưng cũng có khi sốt không cao, nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt, buồn nôn. Có thể có các triệu chứng khác như: Tiêu chảy, phân không có nhày, máu; ho, chảy nước mũi; phát ban: Mần đỏ, bọng nước hoặc ban ở lòng bàn tay, bàn chân kèm loét miệng. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể rối loạn tri giác, ngủ gà gật, li bì, lơ mơ đến hôn mê, co giật, có thể suy hô hấp hoặc sốc.
Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề. Vì vậy, để phòng bệnh cho con, bố mẹ hãy:
- Giữ vệ sinh cá nhân, nằm màn chống muỗi đốt
- Vệ sinh ăn uống để tránh lây nhiễm mầm bệnh qua đường tiêu hóa
- Vệ sinh ngoại cảnh, không nuôi gia súc gần nhà, gần khu dân cư
- Diệt côn trùng, tiết túc trung gian truyền bệnh, diệt bọ gậy, diệt muỗi
- Tiêm chủng đầy đủ cho bé. Hiện nay có vắc xin tiêm phòng viêm não Nhật Bản với phác đồ như sau:
- Tiêm dưới da
- Liều lượng: 0,5ml cho trẻ dưới 5 tuổi, 1ml cho trẻ trên 5 tuổi
- Mũi 1: Bắt đầu tiêm
- Mũi 2: 7 ngày sau mũi 1
- Mũi 3: 1 năm sau mũi 2
- Tiêm nhắc lại sau 3 đến 4 năm
Sau khi làm rõ những nội dung về bệnh viêm não ở trẻ em, TS.BS. Đào Hữu Nam cập nhật về căn nguyên, chẩn đoán và cách điều trị bệnh tay chân miệng.
Hình ảnh bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính ở người với biểu hiện đặc trưng bởi các ban sần đỏ (rash) và bọng nước nhỏ ở lòng bàn tay, chân và niêm mạc miệng. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng cũng có những trường hợp mắc bệnh ở người lớn. Bệnh lây do tiếp xúc với virus trong nước bọt, phân của người nhiễm bệnh. Có 4 giai đoạn của bệnh: Giai đoạn ủ bệnh (3-5 ngày), giai đoạn khởi phát (1-2 ngày), giai đoạn toàn phát (3-10 ngày) và giai đoạn lui bệnh (3-5 ngày) với các biểu hiện như: sốt, mệt mỏi, kém ăn, nôn, trẻ sốt cao; phát ban dạng sần đỏ hoặc phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối; loét miệng, vết loét đỏ, phỏng nước, đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, vòm miệng, gây đau miệng, bỏ ăn; trẻ thường quấy khóc, đau đầu, giật mình.
Hình ảnh bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ theo triệu chứng nên bố mẹ hãy chuẩn bị kiến thức về bệnh tay chân miệng và thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh:
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước
- Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,…)
- Tránh các tiếp xúc gần với trẻ như: ôm, hôn, dùng chung đồ dùng
- Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo và nơi đông người cho tới khi các triệu chứng của bệnh đã hết hẳn.
- Đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu có các triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo
Hội thảo đã diễn ra trong không khí học tập và thảo luận sôi nổi của các nhân viên y tế tại bệnh viện.
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:
TS.BS. Nguyễn Minh Hiệp – Phó Giám đốc BV phát biểu khai mạc hội thảo
TS.BS. Đào Hữu Nam trình bày tại Hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Linh Lan – Phòng KHTH