Thời tiết trở lạnh, khoa Nội nhi tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi…
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thủy – Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi cho biết: Mùa đông thời tiết diễn biến bất thường, chính là điều kiện thuận lợi để nhiều loại virus phát triển mạnh khiến nhiều người thấy mệt mỏi, đau ốm, đặc biệt là trẻ em, do sức đề kháng của cơ thể cũng có phần giảm sút.
Do đó, trong những ngày đông giá lạnh trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc để phòng tránh các bệnh nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Một số bệnh trẻ dễ mắc vào mùa lạnh
Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải và dễ lây lan nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá. Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, sốt cao, đau họng, ho và chán ăn.
Viêm phế quản
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết nhưng ở trẻ nhỏ rất dễ hay mắc phải. Khi bị viêm phế quản, trẻ cảm thấy khó thở, hơi thở nặng nhọc, hay khò khè trong họng, ho nhiều, rát họng, có đờm và bị chảy nước mũi. Khi trẻ ho có đờm trắng vàng đục, cần phải đưa đi khám ngay để tránh trường hợp bé bị nhiễm trùng thứ cấp.
Tiêu chảy
Khi bị bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện bị nôn trước, sau khoảng 1 – 2 ngày thì bắt đầu bị đi ngoài. Bệnh có thể kèm theo triệu chứng ho, sốt nên nhiều phụ huynh dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp hoặc viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 đến 7 ngày. Biến chứng nguy hiểm nhất là bé bị mất nước, mất muối quá nhiều, từ đó dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được bù nước kịp thời.
Bệnh viêm mũi
Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào thời tiết giao mùa. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Khi trẻ bị viêm mũi, người chăm trẻ cần dùng dung dịch nước muối 0, 9%, ngày 3 – 4 lần nhỏ cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.
Viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc họng, do môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp và do thời tiết lạnh. Bệnh có những triệu chứng điển hình như: Sốt, khô và đau rát cổ họng, ho khan hoặc ho có đờm, chảy nước mũi, đau đầu. Bệnh có thể gây biến chứng viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi.
Viêm phổi
Không giống như các bệnh mùa đông thông thường khác, viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn. Bệnh có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi bệnh bắt đầu như bệnh cảm lạnh, sau đó có dấu hiệu nặng hơn. Nếu trẻ bị cảm lạnh trong vài ngày và đột nhiên bị sốt cao, ho nặng hơn, đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám.
- Các cách phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ em
Có một số cách phòng bệnh cực hiệu quả dưới đây mà bố mẹ nên lưu ý:
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Cha mẹ nên chú ý thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đồ đạc, nhà cửa và giường ngủ cho bé để phòng bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên hướng dẫn bé cách rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, ăn uống, khi tiếp xúc với động vật…
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngủ hợp lý: Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé khoa học và nghỉ ngơi hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng tốt nhất là một trong các cách phòng bệnh cho trẻ sơ sinh khi giao mùa hiệu quả nhất. Đối với những bé đang bú mẹ nên duy trì đủ 6 tháng đầu và bổ sung các nhóm chất đạm, vitamin, chất béo, khoáng chất cần thiết.
Tiêm phòng: Kiểm tra lịch chích ngừa cho bé đầy đủ cũng là cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa hiệu quả mà cha mẹ cũng cần lưu ý. Khi tiêm phòng đầy đủ cho trẻ sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các bệnh gây nguy hiểm. Những mũi tiêm giúp bé phòng tránh được các bệnh khi giao mùa như: Sởi, ho gà, cúm, viêm phổi do phế cầu, rubella…
Ăn chín uống sôi: Vì hệ tiêu hóa của bé vẫn còn yếu, do đó khi nấu nướng đồ ăn cha mẹ nên chú ý đảm bảo nguyên tắc ăn chín và uống sôi. Nhiều mẹ có thói quen nấu đồ ăn tái một chút để đảm bảo vị ngọt, tuy nhiên có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh cho bé. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý chỉ nên nấu số lượng đồ ăn vừa đủ và tránh hâm lại nhiều lần sẽ không tốt cho sức khỏe.
Mặc quần áo phù hợp cho bé: Một trong những cách phòng tránh bệnh giao mùa cho bé hiệu quả mà cha mẹ cần lưu ý đó là chọn quần áo phù hợp. Vào mùa hè nên ưu tiên lựa chọn quần áo chất liệu cotton có khả năng thấm hút tốt và thoáng mát. Đối với mùa đông cần giữ ấm cho bé, đặc biệt khi đi ra ngoài cần mặc áo khoác, đeo găng tay, khăn và mũ ấm. Khi bé ngủ cần đảm bảo giữ ấm vùng cổ và bụng, vì đây là những bộ phận rất nhạy cảm.
Khám sức khỏe định kỳ cho bé: Khám sức khỏe định kỳ cho bé là việc làm rất cần thiết để bảo vệ bé khỏi các bệnh giao mùa. Những mũi tiêm phòng cha mẹ nên chọn để bảo vệ sức khỏe của bé như: Rubella, cảm cúm, viêm phổi do phế cầu, tiêu chảy, sởi, thủy đậu, ho gà…
Cho bé tham gia vào những trò chơi vận động: Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa cho bé cha mẹ cũng nên chú ý cho trẻ tham gia vào những trò chơi vận động mỗi ngày. Khi vận động cơ thể của bé luôn được dẻo dai và tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh bệnh hiệu quả khi thời tiết giao mùa. Tuy nhiên cần lưu ý, vào mùa hè nên cho bé vui chơi ngoài trời khi trời chiều mát để tránh sốc nhiệt. Vào mùa đông nên hạn chế cho bé ra ngoài trời khi nhiệt độ quá thấp sẽ rất dễ bị bệnh.
Luôn nhắc nhở bé đeo khẩu trang khi ra ngoài: Tạo cho bé thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài để bảo vệ sức khỏe. Trong môi trường không khí có chứa nhiều loại vi khuẩn, virus và bụi bẩn gây bệnh, vì vậy cha mẹ nên cho bé đeo khẩu trang mỗi khi di chuyển ra ngoài nhé. Nên chọn loại khẩu trang có khả năng kháng khuẩn để phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.
Khi nắm rõ những cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa ở trên sẽ giúp bé yêu luôn được khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.
Bác sỹ Chuyên khoa II Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp