Từ đầu tháng 11/2020 đến nay, Đơn nguyên Tiêu hóa – Truyền nhiễm Khoa Nội Nhi Tổng hợp – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nhập viện vì cúm. Con số này có thể tiếp tục tăng nhanh nếu không có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Thông thường bệnh thường tự khỏi, tuy nhiên virus cúm cũng có thể gây biến chứng viêm não, viêm phổi… nặng hơn gây tử vong ở trẻ bú mẹ, người già và những người có yếu tố nguy cơ cao. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
(Virus cúm)
Nhiều nghiên cứu cho rằng virus cúm lây lan trong không khí dễ dàng hơn ở điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thấp. Vì thế virus cúm phổ biến nhất trong suốt mùa thu và mùa đông. Khoảng thời gian chính xác của bệnh cúm có thể thay đổi nhưng hoạt động của virus cúm bắt đầu gia tăng vào tháng 10 và đạt đỉnh từ tháng 11,12.
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ mắc cúm
– Sốt cao kéo dài 3-7 ngày. Có thể sốt kiểu “ V” cúm ( sốt 3-5 ngày rồi đỡ sốt 1-2 ngày rồi sốt cao trở lại ).
– Viêm long đường hô hấp trên: ho, hắt hơi, chảy mũi.
– Đau họng, ho khan, khàn tiếng, đau tức ngực.
– Đau đầu: đau đầu vùng thái dương, vùng trán, ù tai, quấy khóc ở trẻ nhỏ.
– Đau mỏi cơ , khớp toàn thân
2. Phân biệt sốt do cúm và sốt do nguyên nhân khác?
Rất khó phân biệt sốt do cúm và sốt do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên có thể có một số gợi ý như: Bị cảm lạnh chúng ta sẽ bị sốt cao, kéo dài hơn hẳn. Ngoài ra các cảm giác mệt mỏi nghiêm trọng hơn, thậm chí còn bị đau nhức cơ. Sau khoảng nửa ngày sốt cao không hạ thì người bệnh có thể xuất hiện cảm giác hoa mắt, chóng mặt, đi lại khó khăn.
- Điều trị cúm
- Nguyên tắc chung
– Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
– Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.
– Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
– Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.
- Xử trí theo mức độ bệnh
– Cúm có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
– Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ: cần được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus có thể làm giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh 1-2 ngày. Đồng thời cũng giúp ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng do virus cúm gây ra đặc biệt ở trẻ nhỏ, người lớn từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và những người mắc một số bệnh như hen suyễn, tiều đường và bệnh tim.
– Nếu như mắc cúm, thuốc kháng virus có thể được sử dụng điều trị.
+ Thuốc kháng virus có tác dụng giảm nhẹ bệnh, rút ngắn thời gian bị bệnh và ngăn ngừa các biến chứng của cúm.
+ Thuốc kháng virus nên được điều trị cho người ốm nặng và người có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
+ Các nghiên cứu cho thấy rằng thuốc kháng virus cúm có hiệu quả tốt nhất nếu bắt đầu sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên mắc bệnh, tuy nhiên thời điểm sử dụng muộn hơn vẫn có thể có ích, đặc biệt với những bệnh nhân nguy cơ cao.
– Cúm chưa biến chứng: Có thể không cần xét nghiệm và điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biều hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
- Làm gì khi trẻ sốt?
– Khi trẻ mắc cúm sẽ sốt cao liên tục trong những ngày đầu, cần theo dõi sát thân nhiệt của trẻ phát hiện trẻ sốt để xử trí.
– Cần dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38, 5 độ C, tránh để trẻ sốt quá cao gây co giật.
– Chườm ấm tích cực.
- Phòng bệnh như thế nào? Tiêm phòng vắc xin có vai trò như thế nào trong phòng bệnh?
Cúm là bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng biện pháp chủ động và thụ động khác nhau, bao gồm:
Tiêm phòng vắc – xin ngừa cúm:
– Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc tiêm vắc-xin cúm hằng năm là việc làm đầu tiên và quan trọng nhất để chống lại bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng khác.
– Trong khi có nhiều loại virus gây bệnh cúm khác nhau, vắc xin ngừa cúm chỉ có thể bảo vệ cơ thể trước 3 hoặc 4 loại virus gây bệnh phổ biến nhất. Vắc-xin 3 thành phần chứa virus H3N2, H1N1 và virus B. Vắc-xin 4 thành phần chứa thêm virus B bổ sung khác.
– Vắc-xin cúm giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh cúm, tỷ lệ nhập viện liên quan đến cúm.
– Vắc-xin cúm giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì cúm ở trẻ em.
– Tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin phòng cúm mỗi năm trước thời điểm bắt đầu hoạt động của bệnh trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm tiêm vắc-xin vào cuối tháng 9-10 hằng năm.
– Những người có người có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng khác nhau của bệnh cúm bao gồm trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính như hen, đái tháo đường hoặc bệnh lý tim phổi và người trên 65 tuổi là những đối tượng tuân thủ việc tiêm vắc-xin cúm phòng ngừa.
Duy trì thói quen hằng ngày để ngăn ngừa sự lây lan của cúm:
– Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
– Khi đang có bệnh, tự giác giới hạn tiếp xúc với người khác nhiều nhất có thể để tránh lây lan.
– Nếu như đang bệnh triệu chứng tương tự cúm, CDC khuyến cáo người bệnh nên ở nhà ít nhất 24 giờ kể từ sau khi sốt chấm dứt mà không cần sử dụng thuốc hạ sốt, ngoại trừ việc đi ra ngoài để đến các cơ sở y tế.
– Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Sau khi dùng, vứt bỏ khăn giấy và rửa sạch tay.
– Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh chứa cồn.
– Tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì đây là đường vào phổ biến của virus.
– Làm vệ sinh sạch các bề mặt và dụng cụ có thể chứa virus cúm.
– Duy trì nhiệt độ phòng trên 20oC.
– Giữ độ ẩm của phòng ít nhất đạt 50%.
Bs Lê Thị Hoa
( Đơn nguyên Tiêu hóa- Truyền nhiễm)