Một trong những nỗi lo lắng của hầu hết các bà mẹ khi mang thai chính là tình trạng ốm nghén. Theo thống kê, có tới 80% phụ nữ mang thai bị buồn nôn và 50% nôn ói nhiều, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất. Thậm chí, nhiều người nghén nặng không ăn uống được gì đến suy nhược cơ thể, phải nhập viện điều trị. Tuy là triệu chứng thường gặp nhưng không phải tất cả mẹ bầu đều bị ốm nghén.
Hiện tượng nghén xảy ra là do sự gia tăng đột ngột của hormone màng đệm (HCG) khi mang thai. Đây không phải bệnh lý mà là biểu hiện bình thường của phần lớn những người phụ nữ mang thai.
Với những biểu hiện thường gặp ở thai phụ bị nghén như:
- Buồn nôn khi ngửi mùi thức ăn lạ
- Nôn ói liên tục, nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi ăn/uống
- Tiết nhiều nước bọt
- Có các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, choáng váng…
- Trường hợp nghén nặng, thai phụ có hiện tượng nôn mửa nhiều, sụt cân, tiểu ít, đau đầu, ngất xỉu, tăng nhịp tim, hạ huyết áp…
Tình trạng ốm nghén có thể kéo dài và kéo theo cảm giác chán ăn/sợ ăn, mệt mỏi nên thai phụ dễ bị thiếu chất dinh dưỡng nếu không có chế độ ăn uống hợp lý. Do đó, để sức khỏe không bị ảnh hưởng bởi những cơn nghén, mẹ bầu cần có khẩu phần ăn đầy đủ dưỡng chất, tạo nền tảng cho thai nhi phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Nguyên tắc dinh dưỡng đối với thai phụ ốm nghén
Dinh dưỡng của mẹ đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thể chất và trí não của em bé từ lúc nằm trong bụng mẹ đến khi chào đời. Vậy nên, dù có bị chứng ốm nghén hành hạ hay không, mẹ bầu cũng nên đặt mối quan tâm về dinh dưỡng lên hàng đầu. Chỉ có như vậy, trẻ sinh ra mới đạt chuẩn chiều cao, cân nặng và phát triển trí não tối ưu.
- Ăn chia nhỏ nhiều bữa, không nên để dạ dày trống rỗng:
Bụng cồn cào là nguyên nhân gây ra các cơn buồn nôn. Do vậy, mẹ bầu cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày (3 bữa chính và 3-4 bữa bổ sung) để dạ dày luôn hoạt động, không có cảm giác “thiếu thốn” thức ăn.
- Lựa chọn thực phẩm thông minh:
Cần nói “không” với các thức ăn cay và nhiều dầu mỡ nếu bạn không muốn tình trạng nôn ói trở nên tồi tệ hơn. Thay vì vậy, bạn có thể nhâm nhi tách trà nóng, ăn bánh quy, bánh mì nướng, trái cây ít đường, ngũ cốc khô… để làm dịu dạ dày. Bên cạnh đó, nên tránh xa những loại thức ăn khiến bạn khó chịu khi ngửi mùi.
- Bổ sung đầy đủ vi chất cho cơ thể, đặc biệt là sắt:
Khi bạn nghén nặng kèm theo mệt mỏi, chóng mặt và thở dốc, đó là dấu hiệu cho thấy bạn thiếu sắt nghiêm trọng. Bạn cần kịp thời bổ sung vi chất này, bên cạnh các vi chất khác như kẽm, canxi, axit folic… vốn rất quan trọng cho mẹ và thai nhi. Với liều sắt bổ sung 60mg sắt/ngày hoặc nhiều hơn phụ thuộc và tình trạng thiếu sắt của cơ thể và chế độ ăn hàng ngày.
- Uống nhiều nước:
Mất nước sẽ làm giảm độ pH trong máu, tăng axit gây tổn hại đến em bé. Vì vậy, bạn hãy cố gắng uống tối thiểu 2 lít nước/ngày. Nếu bạn nôn ói quá nhiều mà không uống được bất cứ chất lỏng nào trong vòng 2 giờ, cần đến gặp bác sĩ để được truyền nước ngay.
Cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, mẹ bầu cần lên kế hoạch vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng, giảm bớt các triệu chứng ốm nghén. Bạn nên đi bộ chậm, bơi lội, tập yoga… tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Hy vọng rằng, với những thông tin bổ ích trên sẽ giúp mẹ bầu trang bị thêm kiến thức, tự tin để có một thai kỳ khoẻ mạnh!.
Tô Thị Thảo – Phòng Điều dưỡng