Trẻ sơ sinh là trẻ mới sinh ra cho đến 30 ngày tuổi. Trẻ cần được nuôi dưỡng đặc biệt, chăm sóc và theo dõi những dấu hiệu bất thường hay xảy ra như vàng da, nhiễm trùng rốn, sốt và sặc sữa.
- Nuôi dưỡng:
– Bà mẹ khi mang thai phải đuợc ăn uống đầy đủ để tránh tình trạng suy dinh dưỡng bào thai và chuẩn bị có đủ sữa cho trẻ ngay từ những ngày đầu tiên.
– Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ nhỏ vì có đủ chất dinh dưỡng cần cho trẻ phát triển thể chất và trí tuệ. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 – 6 tháng đầu, sau đó trẻ sẽ ăn dặm thêm các thức ăn khác.
– Nếu mẹ thiếu sữa nuôi con, truớc khi quyết định cho trẻ ăn thêm sữa bột, nên hỏi ý kiến của nhân viên y tế.
- Vàng da sơ sinh:
Đa số trẻ sơ sinh đều có biểu hiện vàng da sau khi sinh. Nên để trẻ trong phòng có đủ ánh sáng để theo dõi mức độ vàng da đuợc dễ dàng.
Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý sẽ để lại di chứng chậm phát triển trí tuệ sau này, Khi có một trong các triệu chứng sau đây, cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa sơ sinh càng sớm càng tốt:
– Vàng da xuất hiện sớm trước 24 giờ sau khi sinh.
– Vàng da tăng nhanh, vàng da lan đến vùng bụng dưới, vùng đùi.
– Vàng da kéo dài quá 10 ngày ở trẻ đủ tháng và quá 14 ngày ở trẻ non tháng.
– Vàng da có kèm các triệu chứng bất thường khác: trẻ bú kém, ngủ nhiều, li bì, nôn trớ hoặc quấy khóc kích thích hoặc trẻ có vẻ “không được khỏe”.
- Chăm sóc rốn:
Nhiễm khuẩn rốn là nhiễm khuẩn cuống rốn sau khi sinh, nhiễm khuẩn có thể khu trú tại vị trí cuống rốn hay lan rộng ra xung quanh, vùng lan rộng ra thành bụng có thể nề đỏ, chảy dịch hôi tại chân rốn, đôi khi có mủ.
Nhiễm trùng rốn là bệnh rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, vì vậy phải chăm sóc rốn mỗi ngày và mỗi khi rốn bị ướt (sau khi tắm cho trẻ) theo quy trình sau:
– Rửa tay sạch bằng xà bông, sát khuẩn tay nhanh bằng dung dịch sát khuẩn
– Bộc lộ vùng rốn.
– Một tay dùng gạc vô khuẩn để nâng dây rốn lên, dùng bông vô khuẩn có tẩm cồn 70 độ lau xung quanh chân rốn, lau từ chân rốn lên cuống rốn và từ chân rốn ra xung quanh rốn.
– Khi quấn tã nên để hở phần rốn ra ngoài, mặc bỉm dưới rốn để không khí có thể lưu thông.
– Vẫn tiếp tục chăm sóc rốn hàng ngày khi rốn đã rụng cho đến khi chân rốn khô và không còn dịch tiết.
Cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa sơ sinh có một trong các triệu chứng sau:
– Rốn có mùi hôi hoặc rỉ nước vàng hoặc rỉ máu.
– Da quanh rốn sưng tấy đỏ.
– Trẻ sốt, quấy khóc , bú kém.
– Rốn chậm rụng sau 3 tuần.
- Vệ sinh miệng cho bé:
Bình thường chỉ cần dùng gạc vô trùng thấm nước chín hay nước muối sinh lý để rơ miệng cho trẻ hàng ngày.
Khi trong miệng và lưỡi bé xuất hiện các chấm trắng hoặc mảng trắng kem rải rác đó là nấm miệng. Nấm thường do nấm Canida Albicans gây ra. Có thể dùng một số thuốc để rơ miệng cho trẻ khi có nấm miệng, mỗi ngày rơ miệng 1 – 2 lần đến khi miệng sạch nấm:
– Daktarin (oral gel).
– Candid (mouth gel).
– Nystatin dạng gói bột.
– Glycerine Boraté 20%.
– Natri bicarbonate 5%.
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể bé sơ sinh:
Luôn phải có dụng cụ đo nhiệt độ cho trẻ trong nhà, có thể dùng nhiệt độ qua hốc tai, dụng cụ đo nhiệt độ trên trán nhưng tốt nhất vẫn là nhiệt kế thủy ngân.
Nhiệt độ cơ thể trẻ bình thường từ 36,5 – 37,50C.
Trẻ bị sốt khi nhiệt độ trên 37,50C.
Trẻ bị hạ thân nhiệt khi nhiệt độ dưới 36,50C trở xuống.
Đặt nhiệt kế cho trẻ để đo nhiệt độ:
– Đặt ở hậu môn 1 phút: đây là nhiệt độ chuẩn của trẻ.
– Đặt ở nách 3-5 phút: phải cộng thêm 0,50C vào kết quả đo được mới là nhiệt độ thật của trẻ.
Khi trẻ bị sốt hoặc bị hạ thân nhiệt đều phải đưa trẻ đi khám ngay.
- Tư thế nằm an toàn:
Để tránh sặc sữa, sau khi trẻ bú no, đỡ bé ở tư thế đầu cao, vỗ nhẹ vào lưng bé cho ợ hơi rồi mới đặt nằm xuống, mặt bé quay nghiêng sang một bên. Đầu luôn luôn hơi cao hơn ngực.
- Khám mắt cho trẻ non tháng:
Trẻ càng nhẹ cân hoặc càng non yếu thì càng dễ bị bệnh lý võng mạc mắt, làm ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ, thậm chí có thể gây mù lòa. Những trẻ sau đây cần được khám mắt ngay khi bé đầy tháng:
– Cân nặng lúc sinh dưới 1500g hoặc tuổi thai dưới 32 tuần.
– Cân nặng lúc sinh dưới 2000g nhưng bị ngạt khi sinh, thở oxy kéo dài, có những bệnh lý khác kèm theo và được bác sĩ sơ sinh chỉ định khám mắt.
– Trẻ đa thai (sinh đôi, sinh ba…) và có cân nặng lúc sinh dưới 2000g.
- Tái khám và tiêm chủng:
Mọi trẻ sơ sinh sau khi ra viện đều cần được tái khám, bố mẹ xem trong giấy ra viện hoặc sổ khám bệnh để cho con đi khám đúng lịch hẹn. Tái khám sau khi ra viện rất cần thiết để bác sĩ chuyên khoa đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ hiện tại và đưa ra lựa chọn can thiệp phù hợp. Từ đó đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
Trẻ sơ sinh sinh non, trẻ có bệnh lý sau khi ra viện có sức khoe yếu hơn, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn. Do đó việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này là hết sức quan trọng để giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc bệnh xuống mức thấp nhất. Trẻ cần được tiêm chủng tại phòng khám tiêm chủng của bệnh viện chuyên khoa nhi.
Bố mẹ có thể liên hệ đăng ký tiêm chủng cho con tại phòng B113, tầng 1, khoa Khám Bệnh – Cấp Cứu Ban Đầu, bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Hotline: 1900 588 827.
Nguyễn Thị Thơm – Sơ sinh
———————————————————————————————————————————————-
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
???? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
???? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
???? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
???? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh