Co giật do sốt là bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi, các cơn co giật xuất hiện trong quá trình mắc một bệnh cấp tính có sốt, nhưng không phải do nhiễm trùng thần kinh hoặc có các cơn co giật không do sốt trước đó và các dấu hiệu bất thường hệ thần kinh.
Sốt co giật ở trẻ em được chia thành 2 loại:
– Co giật do sốt đơn thuần: Xảy ra ở trẻ không có bất thường hệ thần kinh. Cơn co giật toàn thể, thời gian dưới 15 phút.
– Co giật do sốt phức tạp: khi có một trong các biểu hiện sau: Co giật cục bộ hoặc khởi phát cục bộ; Thời gian có giật kéo dài trên 15 phút; Không phục hồi hoàn toàn chức năng hệ thần kinh trong vòng 1 giờ; Tái phát các cơn co giật trong đợt sốt.
2 loại sốt cao co giật ở trẻ em
Triệu chứng của trẻ bị sốt cao co giật:
Tình trạng sốt co giật ở trẻ thường sẽ xuất hiện khi trẻ đang sốt cao, khoảng 39-40 độ C. Nếu trẻ sốt trên 40 độ C, khả năng rất cao trẻ sẽ co giật. Tuy nhiên, một số trẻ có thể sốt cao co giật khi thân nhiệt có nhiệt độ thấp hơn. Khi trẻ bị co giật, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:
- Tăng trương lực cơ thân;
- Trẻ bắt đầu mất ý thức
- Mất cảm giác ở chân, tay, miệng;
- Thét lên;
- Nôn ói, sùi bọt mép;
- Tay chân co giật cả hai bên, toàn thân co giật;
- Thở loạn nhịp
- Đồng tử hướng lên trên…
Hình ảnh đồng tử hướng lên trên ở trẻ đang co giật
Cơn co giật thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, dao động trong khoảng vài chục giây đến vài phút và thường chỉ xuất hiện 1 lần trong một đợt bệnh. Sau khi hết co giật, trẻ quay về trạng thái bình thường. Đây được xem là sốt co giật đơn giản, lành tính và không cần điều trị đặc hiệu.
Ngược lại, nếu cơ co giật kéo dài trên 5 phút được xem là bất thường. Sốt co giật phức tạp chiếm đến ⅓ tổng số ca sốt co giật ở trẻ. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để các bác sĩ kiểm tra và xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó, có phương hướng điều trị kịp thời, giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra, thậm chí là đe dọa mạng sống của trẻ.
Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt cao co giật
Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt cao co giật
Hầu hết sốt co giật ở trẻ đều không gây nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong cơn co giật. Khi lên cơn co giật, cơ cứng lại, lưỡi trẻ tụt vào trong nên rất hiếm khi xảy ra tình trạng cắn lưỡi. Hơn nữa, sốt cao co giật thường không tác động xấu đến hệ thần kinh và não bộ, trừ các trường hợp sốt co giật do các bệnh lý gây nên như viêm não, viêm màng não,… Do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ rơi vào tình trạng này. Thay vào đó, bố mẹ nên tìm cách hạ sốt an toàn cho trẻ và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sốt co giật của trẻ.
- Cách hạ sốt cho trẻ an toàn
Đặt trẻ trên một mặt phẳng mềm, ở tư thế dễ chịu, thoải mái thường là nằm nghiêng hoặc nằm ngửa (một chân duỗi, một chân co) để trẻ dễ hô hấp;
Mùa hè bố mẹ có thể cởi hết quần áo của trẻ hoặc cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, mùa đông bố mẹ để trẻ mặc quần áo dài tay, đặt gối dưới đầu của trẻ;
Trẻ sốt cao 39 độ C, bố mẹ cần làm mát cho trẻ bằng khăn ướt với nước ấm khoảng 36-37 độ C, lau sạch vùng nách, bẹn, trán và sau tai của trẻ. Bố mẹ tuyệt đối không dùng nước đá để hạ nhiệt cho trẻ vì điều này sẽ khiến mạch máu co lại, hay thấy trẻ sốt cao rét run mà đắp nhiều chăn ấm cho trẻ, những điều này sẽ làm chậm quá trình giải nhiệ. Đồng thời, khi dùng khăn lau người cho trẻ, bố mẹ nên thường xuyên thay đổi khăn để việc hạ thân nhiệt của trẻ được thực hiện hiệu quả hơn. Bố mẹ nên thay khăn ấm sau khoảng 2-3 phút và ngừng lại khi thân nhiệt của trẻ đã hạ xuống mức bình thường.
Lau người cho trẻ trong khoảng 15-30 phút khi đợi thuốc hạ sốt phát huy tác dụng;
Cho trẻ sử dụng thuốc hạ nhiệt qua đường hậu môn theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, paracetamol sẽ được chỉ định cho trẻ uống khi trẻ bị sốt co giật với liều lượng 10-15mg/kg/lần, lặp lại sau 4-6 giờ nếu trẻ vẫn chưa hạ sốt;
Kiểm tra và điều trị nguyên nhân gây sốt, sốt co giật ở trẻ…
Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu:
Trẻ bị sốt co giật lần đầu tiên; Cơn co giật kéo dài trên 5 phút; Sau cơn co giật, trẻ không tỉnh lại; Sau cơn co giật, tình trạng sức khỏe của trẻ ngày càng yếu hơn.
- Lưu ý cần tránh khi trẻ sốt co giật bố mẹ nên biết
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị sốt co giật là bố mẹ phải giữ bình tĩnh, không sợ hãi và lo lắng quá mức vì đa số các cơn co giật này sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ trong cơn co giật nếu không được thực hiện đúng cách có thể dẫn đến một số di chứng nguy hiểm như thiếu oxy não, dịch chảy ngược vào phổi, khiến trẻ khó thở, gây tắc thở. Do đó, bố mẹ cần nắm rõ các lưu ý sau khi chăm sóc trẻ bị sốt:
Không cho bất kỳ thứ vì vào miệng của trẻ vì việc này có thể khiến trẻ bị sặc, ngạt thở;
Khi trẻ lên cơn co giật, bố mẹ tuyệt đối không đút tay vào miệng của trẻ
Không cố gắng nạy răng của trẻ lên hay dùng các vật cứng chặn miệng của trẻ lại vì điều này có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, lợi, gãy răng;
Không dùng sức đè lên trẻ để kiềm cơn co giật vì điều này có thể làm tổn thương các cơ quan của trẻ;
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ;
Không tập trung đông người quanh trẻ khiến trẻ không có oxy để thở;
Cởi hoặc nới lỏng quần áo cho trẻ để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn;
Bổ sung nước và vitamin cho trẻ sau cơn co giật để cân bằng điện giải, tăng sức đề kháng cho trẻ;
Trong lúc trẻ lên cơn co giật, bố mẹ cần ghi nhớ chính xác các biểu hiện, thời gian, kiểu giật của trẻ để cung cấp cho bác sĩ;
Co giật do sốt đơn thuần thường không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như nguy cơ mắc động kinh sau này. Đối với trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này cho trẻ để có phương hướng điều trị hợp lý.
Bác sĩ CKII. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH