- Khái niệm
Những năm trước đây, đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) được định nghĩa là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kì mức độ nào phát hiện lần đầu khi mang thai.
Trong những năm gần đây, Hội Quốc tế các nhóm nghiên cứu về đái tháo đường và thai kì đã đưa ra 2 khái niệm khác biệt:
- ĐTĐ rõ hay ĐTĐ mang thai để chỉ ĐTĐ có từ trước khi mang thai đã biết hoặc ĐTĐ xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ (là thời gian chưa có kháng insulin liên quan đến thai) được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của người ĐTĐ không mang thai.
- ĐTĐ thai kỳ để chỉ ĐTĐ xuất hiện ở quý 2 và 3 của thai kỳ liên quan đến cơ chế kháng insulin ở người có thai.
Như vậy, khái niệm ĐTĐ thai kỳ đã được thu hẹp so với trước đây.
- Nguyên nhân của đái tháo đường thai kỳ
Thừa cân trước khi mang thai làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ
Khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate từ thực phẩm thành một loại đường mang tên glucose. Đường này đi vào máu, sau đó di chuyển đến các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Một cơ quan gọi là tuyến tụy tạo ra loại hormone có tên insulin, giúp vận chuyển đường vào các tế bào cũng như làm giảm lượng đường trong máu.
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai – cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé – tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin).
Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Nguy cơ mắc đái tháo đường trong lúc mang bầu của bạn sẽ tăng lên nếu:
- Bị thừa cân – béo phì trước khi mang thai;
- Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ;
- Có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường tuýp 2;
- Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Hiện tượng này được gọi là tiền tiểu đường;
- Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước;
- Trên 35 tuổi;
- Từng sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg;
- Từng bị thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non;
- Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ được xác định khi:
Phương pháp 1 bước: Nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 gram glucose sau 2 giờ ở tuần thai 24 – 28, có ít nhất 1 thời điểm đạt ngưỡng sau:
Glucose huyết tương lúc đói ≥ 5,1 mmol/L.
Glucose huyết tương sau uống 1 h: ≥ 10,0 mmol/L.
Glucose huyết tương sau uống 2 h: ≥ 8,5 mmol/L.
Phương pháp 2 bước:
Bước 1: uống dung dịch chứa 50 gram glucose khan không phụ thuộc vào bữa ăn hay thời gian trong ngày. Ngưỡng DƯƠNG TÍNH của nghiệm pháp là glucose từ 130 mg/dL (7,2 mmol/L), hoặc ≥ 135 mg/dL (7,5 mmol/L), hoặc ≥ 140 mg/dL (7,8 mmol/L) vẫn còn đang được xem xét. Những bệnh nhân dương tính ở bước 1 sẽ tiếp tục thực hiện bước 2.
Bước 2: Nghiệm pháp dung nạp 100-gram glucose sau 3 giờ. Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ dựa vào từ 2 giá trị bất thường trở lên khi sử dụng hoặc tiêu chuẩn của Carpenter/Coustan hoặc của Nhóm dữ liệu Đái tháo đường Quốc gia của Hoa Kỳ (NDDG).
Chỉ tiêu | Carpenter/Coustan | Nhóm dữ liệu Đái tháo đường Quốc gia của Hoa Kỳ (NDDG). |
Glucose máu lúc đói | 5,3 mmol/L | 5,8 mmol/L |
Glucose máu sau một giờ | 10,0 mmol/L | 10,6 mmol/L |
Glucose máu sau 2 giờ | 8,6 mmol/L | 9,2 mmol/L |
Glucose máu sau 3 giờ | 7,8 mmol/L | 8,0 mmol/L |
Không làm nghiệm pháp dung nạp glucose cho những bệnh nhân có tuổi thai từ 34 tuần trở lên.
- Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ
Đối với mẹ
- Tăng huyết áp, tiền sản giật. – Đa ối (15 – 20%).
- Đẻ non.
- Tăng tỉ lệ đẻ can thiệp (25-40%).
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng do đẻ can thiệp.
- Nguy cơ lâu dài với người mẹ đó là ĐTĐTK trong những lần mang thai sau và nguy cơ trở thành ĐTĐ típ 2.
Nguy cơ đối với con
- Nguy cơ dị tật bẩm sinh, bất thường về tim mạch.
- Thai to gây khó đẻ, sang chấn khi sinh như nguy cơ sai khớp vai xảy ra tới 50% các trường hợp bào thai có trọng lượng khi đẻ đạt 4,5 kg, đặc biệt nếu trẻ bị béo bụng khi đẻ đường dưới. Biến chứng này có thể dẫn đến liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, suy thai, ngạt.
- Đẻ non, hội chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh thường xảy ra ở người mẹ ĐTĐTK nhưng kiểm soát đường huyết không tốt, tăng tỷ lệ tử vong khi sinh.
- Những bất thường ở chuyển hóa của trẻ có thể bao gồm hạ glucose máu trẻ sơ sinh, hạ can-xi máu (do suy cận giáp trạng chức năng), tăng billirubin máu, chứng đa hồng cầu (do giảm oxy máu).
- Nguy cơ lâu dài đối với con là tăng nguy cơ béo phì tuổi dậy thì, và đái tháo đường típ 2.
- Điều trị đái tháo đường thai kỳ
Nguyên tắc chung
Nên khuyến cáo người ĐTĐTK kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu hoặc càng gần bình thường càng tốt, nhưng không có hạ glucose máu.
Nên khuyến cáo người ĐTĐTK trước tiên thực hiện biện pháp thay đổi lối sống gồm: điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập vừa phải.
Khi các biện pháp thay đổi lối sống không đủ để duy trì glucose máu đạt mục tiêu thì dùng các liệu pháp hạ glucose máu.
Thai phụ cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết-ĐTĐ có sự phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ sản khoa.
Mục tiêu kiểm soát glucose
Theo ADA 2017
Đối với đái tháo đường thai kỳ:
Glucose máu mao mạch lúc đói của mẹ ≤ 5,3 mmol/L và
Glucose máu mao mạch 1 giờ sau ăn ≤ 7,8 mmol/L và
Glucose máu mao mạch 2 giờ sau ăn ≤ 6,7 mmol/L
Đối với người bệnh đái tháo đường mang thai:
Glucose máu mao mạch lúc đói ≤ 5,3 mmol/L
Glucose máu mao mạch sau ăn 1 giờ ≤ 7,8 mmol/L
Glucose máu mao mạch sau ăn 2 giờ ≤ 6,7 mmol/L – HbA1C: 6 – 6,5% và không có hạ đường máu quá mức.
Điều trị bằng dinh dưỡng
Mục tiêu:
– Đạt được mức glucose bình thường
– Tránh tăng ceton máu
– Tăng cân hợp lý
– Thai khỏe mạnh
Điều trị dinh dưỡng cần cá thể hóa. Khuyến cáo gợi ý với phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có cân nặng lý tưởng cần 30 kcal/kg/ngày; phụ nữ quá cân cần 22 – 25 kcal/kg/ngày; phụ nữ béo phì cần 12 – 14 kcal/kg/ngày; Phụ nữ thiếu cân cần 40 kcal/kg/ngày.
Kiểm soát cân nặng:
Người ĐTĐTK cần tham khảo hướng dẫn về vấn đề tăng cân để tuân thủ cho phù hợp với từng cá thể.
Luyện tập
Nên khuyến cáo phụ nữ có thai luyện tập nếu không có chống chỉ định về sản khoa. Phụ nữ mang thai nên duy trì mức vận động cường độ nhẹ đến trung bình với khoảng thời gian 20 – 30 phút, 3 lần/tuần. Chế độ luyện tập nhẹ nhàng sẽ giúp:
– Giảm đề kháng insulin.
– Duy trì cân nặng.
– Giúp phục hồi cơ thể tốt hơn sau khi sinh.
Điều trị bằng thuốc
Chỉ định sử dụng insulin:
Khi thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống sau 2 tuần không đạt mục tiêu thì kết hợp điều trị bằng insulin.
Loại insulin sử dụng:
Lựa chọn insulin có tính kháng nguyên ít. Tốt nhất là sử dụng insulin người
(human insulin: regular, NPH). Trong những năm gần đây, các loại insulin analog (lispro, aspart, detemir) được sử dụng cho trên phụ nữ có thai đã được FDA chấp thuận.
Liều lượng insulin:
Liều insulin phụ thuộc cân nặng của mẹ, tình trạng kháng insulin của mẹ, tính chất tăng glucose máu (chỉ tăng lúc đói, hoặc chỉ tăng sau ăn, hoặc tăng cả lúc đói và sau ăn), mức độ tăng glucose máu, tuổi thai, cân nặng của thai nhi so với tuổi thai mà quyết định liều lượng cho phù hợp. Liều khởi đầu khoảng 2 IU trước mỗi bữa ăn. Chỉnh liều insulin sau 1-3 ngày nếu không đạt được mục tiêu điều trị. Số mũi tiêm có thể là 1 mũi insulin/ngày tới 3 – 5 mũi insulin/ngày. Tỷ lệ insulin nền: bolus tùy thuộc từng bệnh nhân, tỷ lệ khuyến cáo chung là 50:50.
Hiện nay, các thuốc viên hạ glucose máu chưa được chấp nhận để điều trị đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường mang thai ở Việt Nam.
Điều trị các bệnh phối hợp nếu có và đúng theo chỉ định cho thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ là hiện tượng khá nhiều mẹ bầu gặp phải. Nếu không có chế độ chăm sóc và kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra những biến chứng không mong muốn, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Nếu bạn còn băn khoăn về bệnh đái tháo đường ở phụ nữ mang thai, hãy đến thăm khám tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh để được giải đáp và nhận lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu.
Để đặt lịch khám, chăm sóc thai sản với các chuyên gia tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, vui lòng liên hệ Hotline: 1900 588 827
Bác sỹ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp