Cận thị học đường đã và đang trở thành một vấn nạn đối với lứa tuổi học sinh. Tại khắp cả nước, tỷ lệ cận thị đang ngày một tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và vui chơi của trẻ em.
Cận thị học đường là gì?
Cận thị học đường là tình trạng các em nhỏ bị tật cận thị ở lứa tuổi đến trường. Khi trẻ em bị tình trạng này, việc nhìn các vật ở xa khó khăn, khiến mắt phải điều tiết liên tục (bộc lộ qua động tác nheo mắt) để thấy rõ các chi tiết gây ra tình trạng mỏi mắt, đau mắt và nhức đầu.
Mắt trẻ nhìn kém, chữ bị nhòe, đọc chữ hay bị nhảy dòng, nhầm dấu, viết chậm, sai chữ… dẫn đến tiếp thu kiến thức chậm, kết quả học tập giảm sút, trẻ trở nên mệt mỏi, rụt rè và thiếu tự tin.
- Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cận thị học đường?
– Cận thị di truyền: chiếm tỉ lệ thấp, do bố mẹ cận thị và có độ cận cao trên 6 diop. Cận thị di truyền thường tiến triển nhanh kèm theo các biến chứng như bong võng mạc, glocom.
– Cận thị học đường: do thói quen của học sinh như xem điện thoại, ti vi nhiều, khoảng cách khi học bài quá ngắn. Trẻ ngồi không đúng tư thế, học không đủ ánh sáng. Nguyên nhân chính là trẻ quen với việc điều tiết nhìn gần nên rất khó để thích nghi khi nhìn xa.
- Làm thế nào để phòng ngừa cận thị học đường?
Cận thị học đường có thể phòng ngừa thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa học sinh, gia đình và nhà trường.
Trong học tập, cần hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế (thẳng lưng, mắt cách mặt chữ 30cm), không nằm, quỳ khi đọc sách hoặc viết bài. Đảm bảo môi trường học tập đủ ánh sáng, kích cỡ bàn ghế phù hợp lứa tuổi học sinh. Hướng dẫn trẻ không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
Trong sinh hoạt, cần hướng dẫn trẻ ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5m khi xem tivi và thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45 phút mỗi lần xem. Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, điều này không chỉ tốt cho mắt mà còn tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý khi đi ra ngoài nên che chắn cho mắt để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt. Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, chất khoáng như thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây tươi… trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ tại các cơ sở uy tín để phát hiện sớm tật khúc xạ và có phương pháp điều trị kịp thời, không tự ý cắt kính hoặc đeo kính không đúng tiêu chuẩn.
- Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị cận thị học đường
Dưới đây là một trong những dấu hiệu dễ dàng nhận thấy nhất ở những trẻ mắc phải cận thị học đường. Bố mẹ khi phát hiện là con có những dấu hiệu như thế này, cần đưa bé đến bác sĩ nhãn khoa để thăm khám trong thời gian sớm nhất nhé:
– Trẻ thường cúi sát vở khi làm bài tập hay đọc sách
– Thường xuyên dụi mắt
– Thích đứng gần màn hình tivi để quan sát
– Gặp khó khăn lúc nhìn trên bảng khi học trên lớp
– Khi đi ngoài đường với bố mẹ thường gặp khó khăn khi nhìn số giây đèn đỏ, thông tin trên các biển báo, biển số xe,…
– Thường có phản xạ nheo mắt, nghiêng đầu thì cần quan sát kỹ một cái gì đó.
Nếu trẻ có các dấu hiệu trên, bố mẹ hãy đưa trẻ đến khám tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt khi nghi ngờ trẻ bị cận thị với các dấu hiệu trên.
Hồng Châu – Phòng Kế hoạch tổng hợp
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh