Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý tương đối phổ biến ở mẹ bầu gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp giảm đáng kể các biến chứng.
- Tiểu đường thai kỳ là bệnh gì?
Những năm trước đây, đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ được định nghĩa là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kì mức độ nào phát hiện lần đầu khi mang thai. Trong những năm gần đây, Hội Quốc tế các nhóm nghiên cứu về đái tháo đường và thai kì đã đưa ra 2 khái niệm khác biệt:
- ĐTĐ rõ hay ĐTĐ mang thai để chỉ ĐTĐ có từ trước khi mang thai đã biết hoặc ĐTĐ xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ (là thời gian chưa có kháng insulin liên quan đến thai) được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của người ĐTĐ không mang thai.
- ĐTĐ thai kỳ để chỉ ĐTĐ xuất hiện ở quý 2 và 3 của thai kỳ liên quan đến cơ chế kháng insulin ở người có thai.
ĐTĐ thai kỳ thường sẽ khỏi sau khi bạn sinh con. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
- Dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường thai kỳ ở mẹ bầu
Dễ khát nước
Cũng như những bệnh nhân bị tiểu đường khác, thai phụ mắc ĐTĐ thai kỳ thường dễ cảm thấy khát nước, nhất là vào ban đêm.
Tiểu nhiều lần trong ngày
Ngoài tình trạng khát nước, mẹ bầu mắc ĐTĐ thai kỳ còn cảm thấy buồn tiểu thường xuyên và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn bình thường. Bên cạnh nguyên nhân tiểu nhiều do chèn ép của thai nhi lên bàng quang thì đây cũng là một trong các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng.
Thị lực giảm trong thời gian ngắn
Lượng đường trong máu tăng bất thường làm cho thủy tinh thể bị sưng. Lâu dần, bà bầu dễ cảm thấy mờ mắt, tầm nhìn hạn chế. Hầu hết tình trạng mờ mắt không xảy ra thường xuyên, nếu có thì cũng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, một vài mẹ bầu cho hay họ cảm thấy mờ mắt kéo dài cho tới khi sinh xong.
Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng
Mệt mỏi khi ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là chuyện bình thường nhưng nếu để ý kỹ hơn, mẹ bầu khi bị tiểu đường sẽ cảm thấy uể oải thường trực mặc dù không vận động nhiều. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì các tế bào không được nhận đủ lượng đường cần thiết để duy trì hoạt động hàng ngày khiến mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi;
Tiểu đường trong khi mang thai làm mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi kéo dài
Vết thương, các vết trầu xước khó lành
Người bị tiểu đường nói chung và mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nói riêng có hệ thống miễn dịch suy giảm do các tế bào bạch cầu – tế bào có khả năng sản sinh kháng thể – bị suy giảm chức năng do đường huyết tăng cao.
Thêm vào đó, những người mắc bệnh liên quan đến rối loại chuyển hóa đường cũng gặp tình trạng giảm khả năng tuần hoàn máu. Bên cạnh việc lâu lành vết thương, người bệnh còn có nguy cơ đối mặt với chứng xơ vữa động mạch.
Vùng kín dễ bị viêm nhiễm
Rất nhiều mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ bị viêm nhiễm vùng kín kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ hệ miễn dịch bị suy giảm. Khi đó, các vi khuẩn có lợi tại vùng kín bị suy yếu, là điều kiện để những vi khuẩn, nấm gây hại xâm nhập, gây bệnh. Mẹ bầu dễ thấy ngứa rát, cảm giác nóng ran tại vùng nhạy cảm, chưa kể dịch âm đạo có mùi bất thường.
Nếu bạn còn băn khoăn về bệnh đái tháo đường ở phụ nữ mang thai, hãy liên hệ số hotline: 0836.530.111 hoặc 0889.064.136 phòng khám Quản lý đái tháo đường thai kỳ – Khoa Sản bệnh để được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.
Hồng Châu – Phòng Kế hoạch tổng hợp
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh