Nhiều năm gần đây, trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ngày một tăng cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân trẻ và gia đình, khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vậy dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu dưới đây nhé!
- Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh thường khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm cùng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, trẻ mắc tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng.
- Dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc rồi loạn phổ tự kỷ theo từng độ tuổi
Các đặc điểm chính của rối loạn phổ tự kỷ là trẻ khó tương tác và giao tiếp xã hội, các hành vi và sở thích bị hạn chế và lặp đi lặp lại. Ở mỗi độ tuổi phát triển, biểu hiện tự kỷ ở trẻ sẽ khác nhau. Do đó, cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ theo từng độ tuổi để kịp thời phát hiện khi trẻ có biểu hiện bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, xã hội cần thiết, mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Ở mỗi độ tuổi trẻ tự kỷ có những biểu hiện khác nhau
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết trẻ rối loạn phổ tự kỷ theo từng độ tuổi:
2.1. Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ dưới 12 tháng tuổi
- Không thể hiện sự thích thú trên khuôn mặt;
- Không giao tiếp bằng mắt;
- Không trả lời khi trẻ được gọi bằng tên, không quay lại để xem nơi phát ra âm thanh hoặc không tỏ ra giật mình khi nghe thấy một tiếng động lớn;
- Không thể hiện sự quan tâm đến các trò chơi mà các trẻ khác thường chơi và thích thú;
- Không nói bập bẹ hay tạo ra âm thanh như tiếng cười, khóc khi thích thú hay giận dữ một chuyện gì đó;
- Không sử dụng cử chỉ, không chỉ ngón thể hiện nhu cầu.
2.2. Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi
- Trẻ không có cử chỉ khi 12 tháng tuổi: chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp;
- Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi, không sử dụng các từ đơn khi 16 tháng, nói câu có hai từ khi 24 tháng;
- Trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội;
- Dường như trẻ phớt lờ hoặc không chú ý đến những người xung quanh;
- Luôn lặp đi lặp lại một cử động cơ thể hoặc một hành động nhất định nào đó
- Đi nhón chân hoặc trẻ không thể bước đi.
2.3. Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ từ 2 tuổi trở lên
- Trẻ có thể gặp khó khăn để bày tỏ nhu cầu của bản thân. Một số trẻ tự kỷ hoàn toàn không nói chuyện, trong khi những trẻ khác phát triển ngôn ngữ nhưng lại gặp khó khăn khi tham gia trò chuyện với người khác.
- Có kiểu nói khác thường: Trẻ có thể nói ngắt quãng, bằng giọng the thé hoặc giọng đều đều. Trẻ có thể sử dụng các từ đơn thay cho một câu dài hoặc lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ. Trẻ có thể lặp lại cùng một câu hỏi.
- Trẻ tự kỷ dường như không hiểu mọi người đang nói gì với mình. Trẻ có thể không trả lời khi được gọi bằng tên hoặc trẻ có thể không thể làm theo chỉ dẫn của người khác. Trẻ có thể cười, khóc hoặc la hét bất ngờ và không phù hợp với tình huống.
- Tập trung hẹp vào một đối tượng, một điều gì đó về của đối tượng (như bánh xe trên ô tô đồ chơi) hoặc một chủ đề tại một thời điểm.
- Hiếm khi trẻ bắt chước những gì bạn làm và không tham gia vào trò chơi đóng vai.
- Trẻ tự kỷ thích chơi một mình: Trẻ có vẻ ít quan tâm đến những đứa trẻ khác và thường không chia sẻ đồ chơi hay chơi đuổi bắt với trẻ khác.
- Tự gây thương tích, chẳng hạn như cắn hoặc tự đánh bản thân.
- Quá nhạy cảm với các loại kích thích: Trẻ có thể chống lại xúc giác, bị kích động bởi tiếng ồn, cực kỳ nhạy cảm với mùi hoặc từ chối ăn nhiều loại thức ăn. Ngoài ra, trẻ có thể chỉ muốn mặc quần áo không có mác áo (tags) hoặc quần áo được làm bằng chất liệu nhất định.
- Trẻ có thể phản ứng quá mức với một số loại đau và phản ứng chậm với những loại khác. Ví dụ, trẻ có thể bịt tai để chặn tiếng ồn lớn nhưng lại không nhận ra bản thân bị mất da do chấn thương ở đầu gối.
- Trẻ có thể sợ hãi khi không cần thiết hoặc không sợ hãi khi có lý do mà thường khiến người khác phải sợ hãi. Ví dụ, trẻ có thể sợ một vật vô hại, như một quả bóng bay, nhưng lại không sợ độ cao.
- Rối loạn giấc ngủ: Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ khó đi vào giấc ngủ và thường xuyên thức dậy vào ban đêm hoặc dậy rất sớm.
- Biểu hiện các vấn đề về hành vi: Trẻ có thể kháng cự, không hợp tác hoặc hoạt động quá mức, hiếu động, bốc đồng hoặc hung hăng.
- Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ con rối loạn phổ tự kỷ
Khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm đến các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn. Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh mà mỗi bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và tâm lý học. Nhưng phương pháp chữa trị tốt nhất để cải thiện tình trạng của trẻ là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cha mẹ, gia đình và người thân. Sự quan tâm, chăm sóc không chỉ thể hiện bằng tình yêu mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ. Gia đình đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách khó khăn, để trẻ có thể hòa nhập được với các bạn.
CNĐD Trần Thị Ngọc Anh – Khoa Nội nhi Tổng hợp
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh