Chăm sóc dinh dưỡng cho người mẹ trong thời kỳ có thai và cho con bú là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cho sự phát triển của bào thai, sự tạo sữa trong thời kỳ cho con bú và sự lớn lên của trẻ sau khi sinh. Phụ nữ trong thời kỳ có thai và cho con bú phải ăn nhiều hơn mức bình thường và biết chọn các thức ăn để có đủ chất dinh dưỡng.
Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, phụ nữ mang thai và cho con bú cần:
- Ăn tăng thêm năng lượng:
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu ăn tăng thêm 50 Kcal/ngày; 3 tháng giữa ăn tăng thêm 250 Kcal/ngày và 3 tháng cuối ăn tăng thêm 450 Kcal/ngày.
Phụ nữ cho con bú ăn tăng thêm 500 calo/ngày.
- Ăn tăng thêm chất đạm:
Chất đạm rất cần thiết cho quá trình tạo máu, phát triển các tổ chức trong cơ thể của mẹ, cần thiết cho sự phát triển của thai và rau thai. Cần tăng thêm 10g (3 tháng giữa thai kỳ) đến 30g (3 tháng cuối thai kỳ) chất đạm/ngày so với bình thường. Ăn đa dạng kết hợp cả chất đạm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa, thuỷ hải sản,….với chất đạm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu đỗ, lạc, vừng.
- Ăn đủ và cân đối về chất béo:
Chế độ ăn của phụ nữ mang thai cần cung cấp khoảng 20-30% năng lượng từ chất béo. Đặc biệt cung cấp đủ các acid béo không no cần thiết trong các dầu thực vật, hạt có dầu, cá và hải sản.
Mỗi tuần bà mẹ nên ăn từ 1-3 bữa cá, mỗi bữa khoảng 100g sẽ rất có lợi cho phụ nữ mang thai và tốt cho việc phát triển bộ não của thai nhi, giúp đứa trẻ thông minh nhanh nhẹn hơn do trong cá chứa nhiều acid béo có lợi đặc biệt là omega-3 và một số vitamin tan trong dầu cần thiết khác như vitamin A, D, E,…
- Thực phẩm cung cấp chất bột đường:
Nên ăn các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn, bún, phở, bánh đúc… (nên chọn các loại gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc…). Nhu cầu chất bột đường cho cơ thể tăng hơn bình thường trong suốt thai kỳ và thời kỳ cho con bú. Đối với những bà mẹ đái tháo đường thai kỳ cần có chế độ dinh dưỡng riêng và cần được tư bởi cán bộ y tế.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất:
- Sắt: uống bổ sung viên sắt 60mg/ngày trong suốt thời kỳ mang thai đến sau đẻ 1 tháng hoặc uống viên đa vi chất có chứa thành phần 60mg sắt.
- Canxi: nhu cầu canxi được khuyến cáo cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai là 1200mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 1300mg/ngày. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, các loại rau xanh, sữa và chế phẩm của sữa. Người mẹ mang thai nên uống thêm sữa, ăn sữa chua, phomat,… để tăng thêm canxi trong khẩu phần hoặc uống bổ sung canxi, vitamin D để đảm bảo nhu cầu hàng ngày.
- Kẽm: là một vi chất dinh dưỡng quan trọng đóng vai trò là chất xúc tác cho gần 200 enzim, giúp chuyển hoá năng lượng, kích thích ngon miệng, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thiếu kẽm có thể là nguyên nhân gây vô sinh, sẩy thai, sinh non, sinh già tháng. Nhu cầu kẽm trung bình mỗi ngày khoảng 15mg. Kẽm có nhiều trong các loại sò, hàu, thịt, cá, hải sản, bột ca cao,… nguồn kẽm từ động vật dễ hấp thu và hàm lượng cao hơn nguồn kẽm từ thực vật.
- Iod: thiếu iod ở phụ nữ mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Đối với trẻ thiếu iod nặng có thể gây hậu quả nghiêm trọng như: trẻ bị đần độn, khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, câm, điếc, mắt lác. Nên bổ sung 220mcg iod/ngày trong suốt quá trình mang thai và 250mcg iod/ngày trong năm đầu tiên cho con bú. Một số thực phẩm giàu iod như cá biển, sò, rong biển, hoặc sản phẩm bổ sung iod như muối iod, bột canh iod,…
- Acid folic (B9): đây là vitamin quan trọng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Theo khuyến cáo để dự phòng khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi bà mẹ nên bổ sung 400mcg acid folic/ngày từ trước khi thụ thai 3 tháng và kéo dài trong suốt quá trình mang thai. Acid folic có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm có bổ sung acid folic.
- Vitamin A: đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên sử dụng vitamin A liều cao vì có thể gây bất thường cho thai nhi, chỉ nên đảm bảo đủ nhu cầu hàng ngày là 700mcg/ngày. Còn đối với phụ nữ sau đẻ trong vòng 1 tháng nên uống bổ sung 1 liều vitamin A loại 200.000 đơn vị. Vitamin A có nguồn gốc động vật dễ hấp thu và dự trữ như thịt ,cá, trứng, sữa,… Ngoài ra vitamin A còn có trong thực vật dưới dạng tiền vitamin A như trong các loại rau có màu xanh thẫm, màu vàng, màu cam, màu đỏ (cà rốt, đu đủ, xoài, rau dền, rau ngót,…)
- Vitamin D: giúp vận chuyển và hấp thu canxi, phospho dễ dàng hơn, phòng tránh còi xương cho trẻ từ trong bụng mẹ. Mỗi ngày, phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung 20mcg vitamin D/ngày (800 đơn vị). Vitamin D được tổng hợp dưới da từ ánh nắng mặt trời hoặc có thể bổ sung qua thực phẩm như sữa, trứng, phomat hoặc sản phẩm có tăng cường vitamin D.
- Các vitamin tan trong nước khác như vitamin B1, B2, C,… rất cần thiết cho các quá trình chuyển hoá năng lượng, tạo máu, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên ăn đa dạng các loại đậu đỗ, hạt nguyên cám và các loại rau củ quả tươi để cung cấp vitamin cho cơ thể tốt hơn.
Thực phẩm cần hạn chế đối với phụ nữ có thai và cho con bú: không dùng các chất kích thích như rượu, bia, chè, café, thuốc lá. Ăn giảm các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, tỏi,… Hạn chế đồ ăn nhanh chiên rán nhiều dầu mỡ. Nên ăn nhạt dưới 5g muối/ngày, đặc biệt là các bà mẹ bị phù để tránh tai biến khi đẻ.
Hoạt động thể lực và chế độ nghỉ ngơi:
- Phụ nữ mang thai cần hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga bầu,… tránh những hoạt động mạnh, gắng sức, nặng nhọc và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý nhưng cũng không nên nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Phụ nữ cho con bú cần nghỉ ngơi theo chế độ thai sản và vận động hợp lý hàng ngày để nâng cao sức khỏe và lấy lại vóc dáng.
Tô Thị Thảo – Cử nhân dinh dưỡng