Đo điện thính giác thân não (ABR) – phương pháp tầm soát điếc ở trẻ sơ sinh
Mất thính lực có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho trẻ, trước hết là đối với việc tập nói và phát triển ngôn ngữ, tiếp đến là làm thay đổi tính nết của trẻ…
Mất thính lực càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng. Các hậu quả sẽ được giảm nhẹ rất nhiều nếu điếc được phát hiện sớm và có các biện pháp hỗ trợ, giáo dục phục hồi chức năng cần thiết.
Đáp ứng thính giác thân não hiện là test chuẩn để tầm soát điếc trẻ sơ sinh, thường là tiêu chuẩn vàng để đánh giá việc sử dụng đo âm ốc tai (OAE) trong khám tầm soát.
Đo ABR ở trẻ em
ABR là một nghiệm pháp pháp sinh lý của đáp ứng não với âm thanh. Nó kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống nghe từ tai đến cầu não. Nghiệm pháp này thực hiện bằng cách đặt 4-5 điện cực trên đầu của đứa trẻ, sau đó một loạt các âm thanh được phát ra qua tai nghe nhỏ đến trẻ. Thần kinh thính giác nhận được kích thích âm thanh và truyền chúng đến não. Hoạt động điện tạo ra bởi dây thần kinh có thể được ghi lại bởi các điện cực và được trình bày dạng sóng trên màn hình máy tính. Nhà thính học sau đó có thể thử ở các mức độ lớn khác nhau cho mỗi âm thanh và xác định mức độ nhỏ nhất mà tại đó trẻ có thể nghe. Trẻ có thể được kiểm tra bằng cách sử dụng tất cả các âm thanh của một đánh giá nghe thông thường (đánh giá người nghe lớn).
Hạn chế của ABR là đứa trẻ cần yên lặng và nằm yên. Điện thế mà máy tính ghi lại từ thần kinh thính giác là rất nhỏ. Bất kỳ chuyển động cơ bắp nào, bao gồm cả chuyển động nhỏ như chớp mắt, có thể xóa sạch đáp ứng nghe, do vậy, trẻ sơ sinh hoặc trẻ em phải ngủ trong khi thử nghiệm. Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có thể được thử nghiệm trong giấc ngủ (sleep) tự nhiên. Trẻ lớn hơn 3 tháng thường được dùng thuốc an thần để ngủ khoảng một giờ (dưới sự giám sát của bác sĩ) trong khi thử nghiệm. Thuốc an thần được sử dụng phổ biến nhất là chloral hydrate.
Quy trình kiểm tra thính lực cho trẻ rất đơn giản, chỉ khoảng từ 10-15 phút. Trong trường hợp phát hiện giảm thính lực sớm, có thể điều trị nhẹ nhàng bằng áp dụng phương pháp đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai cho trẻ. Nếu phát hiện muộn, phương pháp điều trị sẽ phức tạp hơn, thời gian hồi phục chậm hơn và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Khi có dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần cho trẻ thăm khám sớm ở cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Bác sĩ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH