Thời gian gần đây Khoa Hồi sức tích cực nhi – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh liên tiếp tiếp nhận những ca đuối nước ở trẻ em, với độ tuổi khoảng từ 4-9 tuổi. Đa số các nạn nhân đều gặp nạn ngay tại khu vực ao, hồ,…gần nhà. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ đuối nước ở trẻ em là do các em tự do vui chơi mà không có bố mẹ hay người lớn giám sát.
Đuối nước gây nên tình trạng nước vào phổi làm thay đổi surfactan gây xẹp phổi, phù phổi, suy hô hấp, thiếu oxy não dẫn đến phù não và tăng áp lực nội sọ, dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp để lại di chứng về sau ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói, trí thông minh của trẻ.
Tiên lượng trẻ đuối nước phụ thuộc rất nhiều vào thời gian chìm dưới nước và sơ cứu bước đầu tại hiện trường. Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, người nhà nên biết cách sơ cứu như:
Xử trí: Tại hiện trường
– Thái độ xử trí nạn nhân ngạt nước
Cần khẩn trương, hợp lý, kiên trì và phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người tham gia sơ cứu nạn nhân cũng như các nhóm cấp cứu từ tuyến địa phương đến tuyến cao hơn.
* Ngưng thở: nhanh chóng thổi ngạt ngay khi vớt lên khỏi mặt nước
* Ngưng thở ngưng tim: thổi ngạt, ấn tim ngay tại hiện trường
– Hồi sức cấp cứu liên tục (trên đường vận chuyển) khi nạn nhân thở lại
Khi cấp cứu, không nên lôi trẻ quá xa và không nên xốc nước vì làm như thế sẽ mất thời gian quí báu để hồi sức trẻ. Phải hồi sức nạn nhân ngay khi lên bờ. Khi trẻ uống nhiều nước, nước sẽ vào phổi và bụng nhiều đồng thời gây hạ thân nhiệt nhiều. Không nên hơ lửa vì làm thế sẽ gây phỏng, có thể gây dãn mạch, hạ huyết áp, tim nhanh và ngưng tim.
Sau đó cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và theo dõi tiếp.
Để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ đuối nước, các cha mẹ, người trông giữ trẻ hãy luôn để mắt tới con em mình dù các con vui chơi ở bất kỳ đâu, trong nhà hay ở các môi trường xung quanh đồng thời trang bị các kiến thức về sơ cứu trẻ, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
BS. Lều Thị Thu – Khoa HSTC Nhi