Trong những tháng đầu đời, nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh không ổn định do khả năng điều chỉnh nhiệt độ chưa hoàn chỉnh. Bố mẹ băn khoăn không biết bé nóng hay lạnh, làm thế nào để giữ ấm cho bé đúng cách. Nếu chưa có kinh nghiệm về chăm sóc trẻ nhỏ, cha mẹ hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây nhé!
- Làm sao để nhận biết trẻ sơ sinh nóng hay lạnh?
Nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được duy trì ở mức 36.5 – 37.20C (nhiệt độ cặp ở nách) hoặc dao động nhẹ xung quanh trị số trung bình. Trẻ sơ sinh không có khả năng tự điều hòa thân nhiệt như người lớn. Theo đó, cơ thể trẻ dễ bị mất nhiệt qua các bề mặt da không được che phủ như đầu, bàn tay và bàn chân, hay còn gọi là vùng tản nhiệt. Tương tự như thế, nếu trẻ không được mặc ấm đủ lúc ở trong phòng lạnh, nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh sẽ giảm xuống đến mức nguy hiểm. Do đó, kể cả khi thời tiết ấm hơn, bố mẹ cũng cần giữ ấm đủ cho trẻ. Vào các tháng mùa lạnh, bố mẹ nên theo dõi và kiểm tra nhiệt độ ở cả bên ngoài và bên trong phòng bé.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng từ 380C trở lên nghĩa là trẻ đang sốt. Một số dấu hiệu gợi ý tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh bao gồm:
- Sờ thấy nóng hơn ở các khu vực trán, lưng hoặc bụng
- Trẻ vã mồ hôi
- Hai má ửng đỏ
Khi nghi ngờ trẻ sốt, bố mẹ nên sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ chính xác cho trẻ. Sau đó, bố mẹ có thể quyết định có cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hay không.
Ngược lại, một số dấu hiệu gợi ý nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh thấp bao gồm:
- Sờ thấy bàn tay và bàn chân lạnh hoặc vùng da gáy lạnh
- Da tái nhợt: dấu hiệu này xuất hiện kèm với tình trạng giảm hoạt động
- Trẻ có thể quấy khóckhông rõ lý do
- Trẻ hắt xì hơi: đây là một phản xạ liên quan đến vùng dưới đồi, nơi kiểm soát nhiệt độ trung tâm của cơ thể. Điều này giải thích tại sao trẻ thường hắt xìkhi cảm lạnh.
- Trẻ ít hoạt động: đây là dấu hiệu nguy hiểm nhất khi trẻ bị lạnh. Khi trẻ trở nên lừ đừ ít hoạt động, tình trạng hạ thân nhiệt đã đến mức nặng nề.
Những dấu hiệu gợi ý tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ kể trên không nên được bỏ qua vì có thể bỏ lỡ giai đoạn phục hồi cho trẻ.
- Các biện pháp giúp giữ ấm cơ thể trẻ
Nhiều người đang hiểu sai về khái niệm giữ ấm cơ thể cho trẻ sơ sinh. Các biện pháp dân gian giữ ấm bảo vệ trẻ theo kinh nghiệm vẫn được thực hiện như cho trẻ mặc nhiều lớp áo quần, kết hợp với quấn khăn và nằm lò than trong thời gian dài. Đây là những cách làm không đúng, thậm chí có thể ảnh hưởng không tốt đến cả sức khỏe của mẹ và bé. Đa số những cách làm này đều khiến nhiệt độ của trẻ tăng cao, gây đổ nhiều mồ hôi. Mồ hôi bay hơi sẽ dẫn đến mất nhiệt khiến bé tự cảm lạnh và dẫn đến các bệnh lý khác nhau, thường gặp nhất là viêm phổi. Bên cạnh đó, việc quấn bé trong nhiều lớp vải cản trở động tác hô hấp và quá trình vận động.
Giữ ấm đúng cách là giữ đủ ấm cho bé, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, thóp và ngực. Đầu bé sơ sinh là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết. Việc đội mũ trong trường hợp này không những không có lợi mà còn ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hệ thần kinh trung ương do nhiệt độ vùng đầu tăng cao hơn mức bình thường.
.
Lựa chọn áo quần cho trẻ sơ sinh với các chất liệu mỏng nhẹ, thông thoáng và dễ dàng trong việc thay đổi. Cotton là một trong những chất liệu phù hợp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì mỏng, nhẹ và khả năng thấm mồ hôi tốt. Bố mẹ không cần mặc quá nhiều lớp áo quần cho trẻ, thay vào đó, nên quan sát các biểu hiện của trẻ để đánh giá sơ bộ nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh, từ đó có các biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Nếu bố mẹ có thắc mắc những vấn đề sức khỏe ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa Nhi giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh.
Địa chỉ: Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh, Đường Huyền Quang, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Hotline: 1900588827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn.
Ths YTCC. Phạm Thị Hồng Châu – phòng Kế hoạch tổng hợp