Hăm tã là một tình trạng viêm da rất dễ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Bệnh thường do tã không được thay hoặc bị ướt thường xuyên hoặc do da bị cọ xát nhiều. Vậy làm cách nào để trị hăm cho bé? Một vài thông tin được bài viết cập nhật ngay sau đây sẽ có ích cho các bố mẹ. |
1. Nguyên nhân dẫn đến hăm tã ở trẻ
Hăm tã là một tình huống cũng rất thường gặp ở vùng mông, bẹn của trẻ làm da bị đỏ và đau, rát. Các nguyên nhân gây ra thường là :
- Da trẻ bị dị ứng với chất liệu làm tã, hoặc với giấy ướt để lau, làm vệ sinh cho bé, hoặc với các hoá chất dùng tạo mùi thơm cho tã giấy.
- Nhiễm trùng hay nhiễm nấm cũng là nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ. Nấm hay vi trùng ký sinh thường có ở da, không nguy hại nhưng khi da ẩm ướt, bị dơ do nước tiểu hay phân của trẻ thì nấm và vi trùng dễ phát triển, gây bệnh trên da, làm da đỏ, nổi nhiều mụn nhỏ, ngứa, rát khó chịu.
Một số nguyên nhân khác làm bé bị hăm tã:
- Tã thô ráp chà xát lên vùng da nhạy cảm của bé.
- Hóa chất trong bột giặt và chất làm mềm vải có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của bé. Một số loại xà phòng thơm và nước thơm cũng có thể gây kích thích cho da.
- Các loại quần không đảm bảo sự thông thoáng khiến làn da của bé luôn ẩm nên rất dễ bị hăm tã.
2. Triệu chứng dễ nhận biết của hăm tã
Để trị hăm cho bé đúng cách, bố mẹ cần phải nhận biết chính xác tình trạng hiện tại của con. Một số dấu hiệu để nhận biết hăm tã ở trẻ vô cùng đơn giản như:
- Bé thể hiện sự khó chịu và giấc ngủ cũng không còn được sâu và, lâu như trước.
- Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.
- Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.
- Một số trường hợp có thể bị sưng, nổi mụn gây nên tình trạng lở loét ở trên vùng da
- Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
3. Hướng dẫn xử trí hăm tã ở trẻ em
- Vệ sinh phần mông và bẹn bằng nước sạch, xà phòng chuyên dùng cho trẻ nhỏ để loại bỏ vi khuẩn.
- Lau khô da bé một cách thật nhẹ nhàng.
- Sử dụng kem thuốc đặc trị hăm tã ở những vùng da mông và bẹn chỉ với một lớp mỏng.
- Mặc tã cho bé (nên ưu tiên sử dụng những sản phẩm có chất liệu an toàn, mềm mại).
4. Một số biện pháp ngăn ngừa hăm tã ở trẻ em
- Rửa sạch mông, bẹn cho trẻ thường xuyên sau khi trẻ đi tiêu hoặc đi tiểu.
- Để mông thoáng mát nhiều lần trong ngày.
- Để tránh nhiễm trùng, nhiễm nấm nên rửa tay sạch TRƯỚC và SAU khi thay tã cho bé.
- Nên sử dụng loại tã lót ít dùng chất tạo mùi, ít hoá chất.
- Thay tã thường xuyên.
Ảnh: Thay tã thường xuyên cho trẻ
- Các vật dụng bằng vải mới như: quần, áo, nón, vớ, khăn…..nên được giặt sạch trước khi dùng.
- Không được bôi phấn rôm để tránh làm bít tắc lỗ chân lông, càng làm nặng thêm tình trạng bị hăm tã.
- Dùng nước ấm và khăn bằng vải mềm để làm sạch vùng mặc tã sau khi em bé tiểu, sau đó mẹ sử dụng khăn mềm khô để lau sau cho bé rồi mới thay tã mới.
- Gọi cho bác sĩ nếu em bé bị sốt, mẩn đỏ nặng hơn mặc dù đã điều trị tại nhà hoặc lan ra ngoài vùng mặc tã, bỏ bú hay nôn mửa.
5. Những điều cần biết khi sử dụng thuốc điều trị hăm tã tốt cho bé
Đầu tiên cần biết thế nào là loại thuốc trị hăm cho trẻ em tốt và hiệu quả. Trước khi chọn 1 loại thuốc trị hăm cho trẻ em, mẹ cần phải hiểu được thế nào là loại thuốc trị hăm tốt và hiệu quả:
- Ngăn ngừa da bị dị ứng, phát ban, hăm do mang tã, bỉm.
- Làm mềm và làm dịu da.
- Bảo vệ da khỏi các tác nhân kích ứng.
- Giúp tổn thương trên da nhanh lành.
- Ngăn ngừa hăm tã, viêm da…
- Chiết xuất từ tự nhiên, được chứng minh là an toàn
Bài viết đã tổng hợp những thông tin cụ thể về tình trạng hăm tã và cách trị hăm cho bé. Các bố mẹ có thể tham khảo những phương pháp này hoặc liên hệ trực tiếp với các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh qua số điện thoại 1900.588.527 để được tư vấn và hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể.
ThsYTCC. Hồng Châu – phòng Kế hoạch tổng hợp