Hội thảo tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa và Whitmore
Ngày 17/01/2020, nằm trong chương trình đào tạo liên tục của bệnh viện, nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, năng lực chẩn đoán và điều trị cán bộ y tế, hạn chế dịch cúm mùa và whitmore bùng phát tại đơn vị cũng như ở địa phương, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa và Whitmore cho hơn 200 cán bộ là các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên công tác tại các khoa khối Nhi, khoa Dược, Xét nghiệm trung tâm và Kiểm soát nhiễm khuẩn.
BSCKII. Nguyễn Văn Đạt – PGĐ BV phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội thảo, cán bộ y tế được BS. CKII. Phạm Thị Thanh Hương hướng dẫn các nội dung về: Chẩn đoán ca bệnh, chẩn đoán mức độ bệnh, nguyên tắc điều trị, điều trị theo mức độ bệnh, điều trị cúm/whitmore có biến chứng, điều trị hỗ trợ, tiêu chuẩn ra viện… đối với bệnh nhân cúm mùa và whitmore.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
BSCKII. Phạm Thị Thanh Hương hướng dẫn các bác sỹ cách chẩn đoán, điều trị bệnh cúm mùa và whitmore
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận năm 1925, sau đó bệnh xuất hiện tại các địa phương trong cả nước và gia tăng trong thời gian gần đây. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính,…) có nguy cơ cao mắc bệnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo các nguyên tắc: Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc, tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Để phòng lây nhiễm từ người bệnh, cần cách ly người bệnh ở buồng riêng, bệnh nhân phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị, thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ… Để phòng bệnh tốt nhất, người dân nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm, đặc biệt là các đối tượng nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, suy tim, tiểu đường…), người trên 65 tuổi…
Đối với bệnh whitmore, hiện tại bệnh chưa có vắc xin, vì vậy khuyến cáo người dân nên sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước để bảo vệ chống tiếp xúc với đất, nước nhiễm vi khuẩn và làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn.
Thu Huyền – phòng KHTH