Hằng năm cả nước có trên 2 triệu phụ nữ mang thai. Theo thống kê giám sát, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,39%. Như vậy, ước tính mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại Việt Nam và có khoảng 8.500 trẻ em trong độ tuổi từ 0-15 tuổi đang chung sống với HIV/AIDS. Việc chăm sóc sức khỏe cho những trẻ bị nhiễm HIV như thế nào?
Những đứa trẻ phơi nhiễm HIV từ mẹ sẽ có quy trình chăm sóc và điều trị đặc biệt. Điều quan trọng là cần xác định tình trạng của trẻ, giải thích cho gia đình và hướng dẫn cách chăm sóc giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
- Lựa chọn sữa cho trẻ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đối với mẹ không nhiễm HIV, nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Nhưng ở mẹ nhiễm HIV, do HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ nên việc lựa chọn cách nuôi dưỡng trẻ cần được cân nhắc thực hiện.
Có hai phương pháp nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV:
– Không cho trẻ bú mẹ mà sử dụng hoàn toàn sữa thay thế: là phương pháp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả và đảm bảo được sự phát triển của trẻ khi sữa thay thế được cung cấp đủ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, an toàn, hợp vệ sinh, phù hợp với tháng tuổi của trẻ; có nguồn nước sạch và dụng cụ pha sữa được tiệt trùng kỹ, giữ vệ sinh tuyệt đối.
– Nuôi con bằng sữa mẹ: Khi không đảm bảo được điều kiện để nuôi con bằng sữa thay thế, người mẹ có thể lựa chọn nuôi con bằng cách cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến nhiều nhất là 6 tháng tuổi (ít nhất 3 tháng) và cai sữa càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú sữa mẹ, vừa ăn cả sữa thay thế (ăn hỗn hợp) vì sẽ làm rối loạn hệ thống tiêu hóa và miễn dịch non nớt của trẻ, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
– Khi cho trẻ bú mẹ cần chú ý:
- Phải vệ sinh đầu vú thật sạch sẽ trước khi cho trẻ bú;
- Phải cho trẻ bú đúng cách để tránh làm nứt, viêm đầu vú của mẹ;
- Trường hợp trẻ bị viêm nhiễm khoang miệng hay mẹ bị viêm da thì tốt nhất nên điều trị dứt điểm rồi mới cho trẻ bú mẹ trực tiếp;
- Khi trẻ ngừng bú sữa mẹ thì phải cho trẻ sử dụng các loại thức ăn thay thế như sữa bột, bột, cháo, … đảm bảo dinh dưỡng.
- Người mẹ phải được điều trị ARV và đảm bảo tuân thủ tốt để tải lượng vi-rút HIV dưới 200 bản sao/1ml máu.
- Lựa chọn thức ăn thay thế cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV
- Sử dụng thức ăn thay thế là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm mầm bệnh từ mẹ sang con.
- Đối với trẻ dưới 6 tháng thì sữa công thức là thức ăn duy nhất, có thể dùng sữa bò làm thành bột có bổ sung các chất dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ (nên sử dụng loại này) hoặc sữa làm đông khô và sữa bột nguyên kem – được chế biến tương tự như sữa tươi, các vi chất dinh dưỡng cũng đạt nhu cầu nhưng không có sự cân đối như sữa mẹ (loại này có thể sử dụng).
- Đối với trường hợp gia đình không có điều kiện thì người mẹ bị nhiễm HIV có thể lựa chọn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nhưng phải đảm bảo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuyệt đối không được cho trẻ vừa ăn sữa mẹ vừa ăn sữa công thức. Khi trẻ được 7 tháng trở lên và có khả năng ăn bổ sung thì phải cho trẻ ngừng bú mẹ ngay và chuyển sang ăn dặm bổ sung, kết hợp uống thêm sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
Cho trẻ ăn dặm khi đủ 7 tháng tuổi trở lên
3.Các dịch vụ chăm sóc và triệu trị tiếp tục cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
- Cho trẻ uống thuốc ARV ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ) theo chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- Tư vấn và hướng dẫn mẹ và người nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cho trẻ đi làm xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV.
- Giới thiệu trẻ đến cơ sở nhi khoa để tiếp tục được tư vấn về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, kê đơn/cấp hướng dẫn dùng thuốc Cotrimoxazol dự phòng viêm phổi từ khi trẻ 4-6 tuần tuổi, theo dõi dự phòng và điều trị các nhiễm trùng cơ hội và tiếp tục theo dõi sự phát triển về thể chất và tinh thần.
- Tư vấn về lịch tiêm chủng: Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV vẫn được chỉ định tiêm chủng như trẻ bình thường, nếu trẻ không có các chống chỉ định và tạm hoãn tiêm.
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |