Hiện nay, dịch Bạch hầu trên cả nước có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, đã xuất hiện những ca bệnh tử vong. Cụ thể theo thông tin mới cập nhật của Bộ Y tế, tại tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) vừa ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu ngoài ra có trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) do tiếp xúc gần với trường hợp tử vong này. Bước đầu xác định có 119 F1 và ngành y tế vẫn đang truy vết các trường hợp tiếp xúc gần. Trong bối cảnh này việc nâng cao hiểu biết về cách phát hiện, phòng bệnh và chăm sóc bệnh nhân bị bệnh là việc làm cấp thiết.
1.Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em < 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.
Hình ảnh Trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu
- Tổng quan về bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu chủ yếu là lây trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh nói, ho, hắt hơi… Ngoài ra có thể lây gián tiếp qua đồ dùng của người bệnh, thức ăn, đồ chơi.
Biểu hiện khi trẻ mắc bệnh bạch hầu là gì?
Người bệnh bạch hầu có những triệu chứng cơ bản của nhiễm khuẩn như sốt ho, đau họng, mệt mỏi, khàn tiếng. Sau 2 – 3 ngày, người mắc bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu đó là giả mạc có màu xám trắng ở hai bên thành họng. Lớp giả mạc dai, dính chắc, dễ bị chảy máu nếu bị bóc tách ra.
.
Hình ảnh tổn thương trong bệnh bạch hầu
Những biến chứng của bệnh bạch hầu gồm: tắc nghẽn đường thở, tổn thương cơ tim, liệt cơ hoành và tử vong
3.Khi trẻ mắc bệnh cách chăm sóc trẻ bệnh như thế nào ?
– Chế độ dinh dưỡng cho trẻ: rất quan trọng nên cho trẻ ăn những thực phẩm mềm, được nấu nhừ để dễ dàng nhai và nuốt sữa, bột, cháo, súp… Nên chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đồng thời cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cần thiết
Trẻ bị bệnh bạch hầu thường mệt mỏi, khó nuốt, bỏ ăn. Do đó, thức ăn cần nấu kỹ, loãng hơn bình thường để trẻ dễ nuốt, thực phẩm hầm mềm giúp dễ tiêu hóa. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm. Các bữa ăn nên chia nhỏ thành 5 – 6 bữa trong ngày với đầy đủ các nhóm chất như protein, chất béo, carbohydrate và chất xơ.
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể bao gồm sữa mẹ, nước lọc, nước trái cây, nước ép rau quả, cháo, súp, sữa hoặc những thực phẩm chứa nhiều nước… sẽ giúp cho chuyển hóa trong cơ thể được diễn ra dễ dàng hơn.
– Chế độ vệ sinh: Cần vệ sinh răng miệng, mắt, mũi, tai hàng ngày tắm rửa nhẹ nhàng, thay quần áo, xoay trở người cho bé để hạn chế loét. Giữ môi trường sống của bé sạch sẽ, thoáng mát. Các đồ dùng, vật dụng của bé nên được vệ sinh, sát trùng đầy đủ để không lây nhiễm cho những người xung quanh.
Nên duy trì các thói quen vệ sinh tốt cho trẻ lớn như rửa tay thường xuyên, tránh dùng chung vật dụng cá nhân, không đưa tay sờ lên mắt, mũi, miệng để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn. Bên cạnh đó, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh và đồng thời cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh để bảo đảm sức khỏe của trẻ.
– Theo dõi và dùng thuốc: nếu trẻ bị sốt bố mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Cần theo dõi sát tình trạng của trẻ nếu bé bị sốt cao hoặc có dấu hiệu phát ban, li bì, khó thở, nôn ói, khó khăn trong việc ăn uống, tiêu chảy nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Ngoài ra cũng cần cách ly trẻ và người chăm sóc ít nhất 2 – 3 tuần để tránh lây lan nguồn bệnh ra bên ngoài.
Nếu cần hỗ trợ Quý phụ huynh vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN SẢN – NHI TỈNH BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh
ĐD: Nguyễn Thị Kim Dung- Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hoá nhi