Sốt là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ nhỏ, biểu hiện này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm vi khuẩn, virus hoặc phản ứng cơ thể sau tiêm vắc-xin… Vậy câu hỏi đặt ra là trẻ bị sốt phải làm sao?
- Sốt là gì?
Thân nhiệt của con người bình thường thường được duy trì ở mức từ 36 độ C đến 37.4 độ C. Sốt được định nghĩa là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên giới hạn bình thường này (>37.5 độ C). Sốt được phân ra nhiều mức độ khác nhau, bao gồm:
- Sốt nhẹ: nhiệt độ cơ thể từ 37.6 độ C – 38 độ C;
- Sốt vừa: nhiệt độ cơ thể từ >38 độ C – 39 độ C;
- Sốt cao: nhiệt độ cơ thể từ >39 độ C – 40 độ C;
- Sốt rất cao: nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C.
Tuy nhiên, mức độ sốt có thể sẽ không phản ánh chính xác mức độ nặng của các bệnh lý gây ra biểu hiện sốt. Trẻ có thể sốt rất cao nhưng tìm được nguyên nhân, được chăm sóc đúng, điều trị thì trẻ sẽ hết sốt. Ngược lại, trẻ dù sốt không cao nhưng không tìm được nguyên nhân hoặc chăm sóc không đúng cách thì đôi khi lại nguy hiểm hơn.
- Cách xác định trẻ bị sốt
Sử dụng các loại dụng cụ đo thân nhiệt tại nhà như nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử. Tuy nhiên với trẻ nhỏ nên sử dụng nhiệt kế điện tử vì dễ sử dụng, cho kết quả nhanh hơn và hạn chế được nguy hiểm do nhiệt kế thủy ngân rất dễ vỡ, cực kỳ nguy hiểm khi thủy ngân phóng thích ra ngoài.
Các vị trí dùng để đo nhiệt độ cho trẻ bao gồm: miệng, nách, hậu môn. Tốt nhất vẫn là ở nách vì vừa chính xác vừa hạn chế được các tác hại khác.
- Các nguyên nhân gây sốt ở trẻ nhỏ
Sốt được xem là một phản ứng tự vệ của cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân ngoại lai tấn công vào cơ thể. Sốt chứng tỏ hệ miễn dịch của trẻ đã nhận biết và phản ứng lại các tác nhân gây hại đến cơ thể trẻ. Một số trường hợp dù bị nhiễm trùng vẫn không sốt như trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non yếu hoặc trẻ mắc suy giảm miễn dịch cũng không sốt khi bị vi khuẩn, virus tấn công. Các nguyên nhân gây sốt hay gặp bao gồm:
- Các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra như: viêm phổi, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng da hoặc nặng hơn như nhiễm trùng huyết…;
- Nhiễm các loại ký sinh trùng như sốt rét, nhiễm sán…;
- Các bệnh lý tự miễn;
- Các bệnh lý ác tính;
- Sốt có thể xuất hiện sau khi trẻ tiêm phòng hoặc trẻ bắt đầu mọc răng, đây là phản ứng hoàn toàn bình thường của của cơ thể.
- Tuổi nào thì thường bị sốt?
Sốt không phân biệt tuổi tác, giới tính. Bất kỳ độ tuổi nào trẻ cũng có thể bị sốt. Tuy nhiên, tuổi càng nhỏ thì nguy cơ bị sốt thường cao hơn và mức độ sốt thường nặng hơn. Việc quan trọng nhất là điều trị thích hợp, chăm sóc trẻ đúng cách.
- Những trường hợp sốt nguy hiểm
- Sốt cao khó hạ, kém đáp ứng với các biện pháp hạ sốt như dùng thuốc hoặc lau mát tích cực…
- Sốt kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác như nôn ói, khó thở, giật mình hoảng hốt, lạnh tay lạnh chân…
- Sốt cao liên tục kéo dài hơn 2-3 ngày hoặc sốt tái đi tái lại kéo dài hơn 1 tuần.
- Sốt cao ở trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Những trường hợp trên cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp. Tránh tự chăm sóc trẻ tại nhà, vừa không giúp trẻ hết sốt mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Ảnh minh họa: Chăm sóc trẻ sốt đúng cách và đưa trẻ đi khám kịp thời để phòng ngừa những diễn biến bệnh nặng.
- Khi trẻ bị sốt cần làm gì?
Trẻ bị sốt phải làm sao là thắc mắc rất lớn của nhiều bố mẹ. Cách chăm sóc trẻ khi sốt không phải ai cũng làm đúng:
- Việc đầu tiên cần làm để trả lời câu hỏi khi trẻ bị sốt cần làm gìlà đặt trẻ nằm ở nơi phòng thoáng, tránh gió lùa, hạn chế số lượng người xung quanh;
- Sau đó, cởi bớt quần áo trên người cho trẻ, chỉ nên cho trẻ mặc một lớp áo mỏng để giúp cơ thể dễ dàng thoát nhiệt hơn;
- Sử dụng thuốc hạ sốt: Khi nhiệt độ ở nách của trẻ đo được từ 38.5 độ C thì bố mẹ nên cho bé dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen (Paracetamol) với liều lượng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, lặp lại mỗi 4 – 6 tiếng nếu trẻ vẫn không hết sốt. Không tự ý dùng lại thuốc hạ sốt, đưa trẻ đi khám nếu trẻ sốt cao liên tục.;
- Chườm ấm tích cực: Bên cạnh dùng thuốc thì bố mẹ nên kết hợp chườm cho trẻ bằng nước ấm để hiệu quả giảm sốt cao hơn;
- Cho trẻ uống nước, nước hoa quả hoặc oresol để hạn chế tình trạng mất nước
- Hướng dẫn cách lau mát tích cực giúp hạ sốt hiệu quả
Chuẩn bị dụng cụ
- 5 khăn nhỏ, mỏng, có khả năng thấm nước tốt;
- Nhiệt kế: điện tử hoặc thủy ngân;
- Pha nước lau mát với tỉ lệ 2 : 1 (nước lạnh : nước sôi). Bố mẹ có thể kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước cảm giác ấm giống như nước tắm em bé là được.
Thực hiện
- Vệ sinh tay;
- Cởi bỏ bớt hoặc nới rộng quần áo của trẻ;
- Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo nước và chườm cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí: trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân.
- Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại hành động như trên cho đến khi nhiệt độ giảm;
- Khi nước ở trong chậu hết ấm thì thay chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ;
- Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 – 30 phút chườm ấm để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng lau cho trẻ khi nhiệt độ dưới 37.6 độ C;
- Lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa chỉ tin cậy, được rất nhiều bậc phụ huynh tin tưởng và lựa chọn. Bố mẹ có thể đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm:
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Đường Huyền Quang, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh
Hotline: 1900588827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn/
Hồng Minh – Phòng Điều dưỡng