Làm mẹ là một trong nhiều thiên chức quan trọng của người phụ nữ. Trong đó, mang thai là hành trình kỳ diệu nhất đối với mỗi người mẹ. Trong quá trình mang thai, sức khỏe của người mẹ có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này.
Quản lý thai nghén hay còn gọi là chăm sóc trước sinh có vai trò bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi khi còn trong tử cung. Qua đó người thầy thuốc có thể nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi, để tiên lượng và chuẩn bị tốt cho cuộc đẻ, đề phòng các nguy cơ khi chuyển dạ.
Ngoài ra, việc quản lý thai nghén đầy đủ giúp bà mẹ có thêm nhiều kiến thức về vệ sinh thai nghén, chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Quản lý thai nghén bao gồm:
- Tư vấn trong quá trình thai nghén: Giúp sản phụ nắm được những kiến thức để tự chăm sóc bản thân trong quá trình mang thai, vệ sinh thai nghén để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, an toàn.
- Khám sản khoa: Giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh… từ đó lên kế hoạch quản lý thai nghén, hướng dẫn sản phụ chăm sóc, vệ sinh thai nghén và chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi…
- Xét nghiệm: Giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể khi mang thai và những dị dạng của thai.
- Tổng phân tích nước tiểu: Phát hiện ra các bệnh lý về thận, nhiễm trùng đường tiết niệu (hay xảy ra ở phụ nữ có thai), phát hiện nguy cơ tiền sản giật và bệnh đái tháo đường thai kỳ…
- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh: Đây là các xét nghiệm cực kỳ quan trọng để đánh giá sự phát triển bình thường của thai và nguy cơ dị dạng thai.
- Siêu âm: Xác định kích thước thai, theo dõi sự phát triển của thai, lượng nước ối, vị trí bám nhau, hình thái thai nhi để phát hiện các dị tật thai nhi,…
- Monitoring sản khoa: Các bác sỹ sẽ đánh giá các đặc điểm của nhịp tim thai và khả năng chịu đựng của thai nhi khi có cơn co tử cung để phát hiện các bất thường trong quá trình theo dõi chuyển dạ nhằm can thiệp kịp thời và cần thiết cho mẹ và thai.
Việc khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với 9 bước cơ bản như: Hỏi, khám toàn thân, khám sản khoa, xét nghiệm, tiêm phòng uốn ván, cung cấp viên sắt, Acid folic, giáo dục vệ sinh thai nghén, điền vào sổ, ghi phiếu, điền bảng và hộp quản lý thai, thông báo kết quả khám, hẹn khám lại, dặn dò đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường: nhức đầu, hoa mắt, co giật, chảy máu…
Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng nhận thức được như vậy nên việc đi đăng ký quản lý thai sớm trong ba tháng đầu không thực hiện nghiêm túc. Thực tế, có một số ít phụ nữ mang thai ít đi khám thai, gần đến ngày đẻ mới vào bệnh viện. Điều này rất nguy hiểm, các bác sỹ sẽ khó tiên lượng tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở.
Ở nước ta hiện nay Bộ Y tế quy định trong một cuộc thai nghén bình thường tối thiếu phải khám cho bà mẹ 3 lần.
– Lần khám thứ nhất: Khi có thai trong ba tháng đầu nhằm mục đích:
+ Xác định đúng có thai
+ Nếu có thai tiến hành đăng ký thai nghén (nếu thai ngoài ý muốn kế hoạch thì có thể vận động hút thai)
+ Phát hiện các bệnh lý của người mẹ
– Lần khám thứ 2: vào 3 tháng giữa nhằm mục đích:
+ Xem thai có phát triển bình thường không
+ Cơ thể người mẹ có thích nghi tốt với thai nghén
+ Tiêm phòng uốn ván mũi thứ nhất
– Lần khám thứ 3 vào 3 tháng cuối nhằm mục đích:
+ Xem thai có thuận không, phát triển có bình thường không
+ Bà mẹ có nguy cơ gì do thai nghén 3 tháng cuối gây ra không
+ Tiêm mũi uốn ván thứ hai (nhắc lại)
+ Dự kiến ngày sinh và quyết định để người mẹ đẻ tại tuyến cơ sở hay chuyển tuyến
Ngoài ra, lần khám thai nào thai phụ cũng được theo dõi về cân nặng (phụ nữ mang thai quá gầy hoặc quá béo đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và lúc sinh nở. Nếu mẹ bầu quá gầy thì cần bổ sung dinh dưỡng, nếu quá béo cũng cần điều chỉnh cân nặng để tránh các nguy cơ bị đái tháo đường, huyết áp cao, tiền sản giật và phải mổ lấy thai) và đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.
Bên cạnh ba lần khám theo quy định kể trên cần dặn bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu trứng bất thường như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt…
Tiêm phòng uốn ván ngừa uốn ván rốn sau sinh:
Nếu mang thai lần đầu sẽ được tiêm 2 mũi VAT cách nhau 1 tháng và mũi thứ 2 cách trước sinh 1 tháng.
Nếu mang thai con rạ lần 2 trở lên chỉ tiêm 1 mũi VAT nếu thai kỳ lần đầu đã tiêm ngừa đủ.
Như vậy, việc khám và quản lý thai kỳ không chỉ cần thiết cho mẹ mà còn mang lại lợi ích cho sự phát triển của thai nhi. Thông qua việc khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ phát hiện được các yếu tố nguy cơ nhằm xử lý kịp thời, ngăn chặn các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
Hiện nay, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh được xếp hạng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng I chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa. Bệnh viện hội tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Trang thiết bị luôn được cập nhật mới nhất giúp quá trình thăm khám được diễn ra nhanh chóng và chính xác. Không gian bệnh viện luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, khang trang hiện đại, giúp mang đến cho mẹ bầu những phút giây thoải mái nhất mỗi lần đi khám thai.
Hãy đến với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh chúng tôi để được tư vấn và chăm sóc tốt nhất, vui lòng liên hệ hotline: 1900588527!
Bác sỹ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp.