Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, các Bác sỹ Nhi khoa chúng tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi của các bậc cha mẹ như: Bác ơi, làm thế nào cho bé hết ốm vặt ? làm thế nào để gia tăng sức đề kháng của trẻ trong thời kỳ nhiều bệnh lý truyền nhiễm như thế này ? hay có loại thuốc nào mà cho bé uống vào để bé hết ốm vặt hay không ?… Những thắc mắc hoàn toàn chính đáng và là nỗi lo lắng của cha mẹ trẻ. Vậy có loại thuốc nào cho trẻ uống để hết bệnh vặt hay không ? chắc chắn là KHÔNG. Tuy nhiên xin được giới thiệu với Quý phụ huynh những cách sau sẽ góp phần nâng cao khả năng đề kháng cho trẻ.
- Bú mẹ
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi hãy cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục duy trì bú mẹ sau đó: vấn đề này không cần nói nhiều vì sữa mẹ có nhiều lợi ích, cung cấp các kháng thể giúp con chống lại bệnh tật. Trẻ nên được bú mẹ đến 24 tháng tuổi.
- Hãy cho trẻ ăn chế độ ăn khoa học và nhiều rau củ quả.
Carot, đậu xanh , cam , dâu tây…. Chúng đều chứa các phytonutrients giúp tăng cường khả năng miễn dịch chẳng hạn như vitamin C và carotenoids, các phytonutrients có khả năng tăng cường sản xuất các kháng thể và interferon giúp chống lại virus. Một chế độ ăn dặm đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết gồm: Đạm, mỡ, đường và chất béo sẽ giúp trẻ tăng cân tốt và có hệ miễn dịch khoẻ mạnh.
Hình ảnh 4 nhóm thực phẩm cần thiết cho trẻ
- Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc:
Việc thiếu ngủ có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch, giảm các tế bào diệt tự nhiên trong khi các tế bào này có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư và các tác nhân nhiễm trùng.
Trẻ cần ngủ bao nhiêu là đủ : tuỳ thuộc từng trẻ, khuyến cáo:
Trẻ từ 0-16 tháng: có thể ngủ tới 18 giờ/ ngày
Trẻ từ 6- 12 tháng: trung bình 14 giờ/ ngày
Trẻ 1- 3 tuổi: 12-14 giờ/ ngày
3-6 tuổi: 11-12 giờ/ ngày
- Chế độ vận động hợp lý:
Một chế độ sinh hoạt vận động hợp lý giúp gia tăng lượng tế bào diệt tự nhiên giúp tiêu diệt vi khuẩn virus, trẻ nên được tham gia các hoạt động thể lực tuỳ theo lứa tuổi như: vui chơi chạy nhảy ngoài trời, đạp xe, đi bộ, chơi bóng, bơi lội…
- Giữ vệ sinh thân thể:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sát trùng các bề mặt và đồ chơi, vệ sinh dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ … là cách làm hữu hiệu để phòng bệnh cho con.
- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
Đây là 1 phương pháp gây miễn dịch chủ động đặc hiệu có hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi những bệnh truyền nhiễm thường gặp. Sự ra đời của vacine đã cứu sống triệu triệu trẻ em khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Phụ huynh lưu ý đưa con đi tiêm phòng đúng đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để trẻ được bảo vệ đầy đủ và hiệu quả.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa tới hơn 4000 chất độc hại chúng gây tổn thương đến các tế bào trong cơ thể đặc biệt là các tế bào của hệ hô hấp của trẻ. Khói thuốc làm gia tăng nguy cơ viêm tiểu phế quản, hen phế quản … ở trẻ em.
- Tuân thủ chế độ thăm khám và tư vấn của bác sỹ nhi khoa khi trẻ bị bệnh:
Khi trẻ bệnh đừng tự ý cho con dùng thuốc hoặc tự ý mua thuốc hoặc dùng lại các đơn thuốc của lần trước cho con đặc biệt là thuốc kháng sinh. Trẻ nên được thăm khám và tư vấn bởi các bác sỹ Nhi khoa để có chẩn đoán và điều trị phù hợp.
- Giữ không khí hoà thuận yêu thương trong gia đình
Điều này tưởng chừng không liên quan nhưng nó có vai trò lớn với hệ miễn dịch của trẻ. Những đứa trẻ sống trong gia đình không hoà thuận, nhiều áp lực dẫn đến những stress về tâm lý có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh với đội ngũ bác sỹ Nhi khoa giàu kinh nghiệm sẽ là địa chỉ tin cậy cho Quý phụ huynh khi trẻ bị bệnh.
Nếu có thắc mắc cần được tư vấn mời Quý phụ huynh liên hệ theo các cách sau để được hỗ trợ.
BỆNH VIỆN SẢN – NHI TỈNH BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh
Ths. Bs Nguyễn Thị Linh – Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hoá nhi