Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là dễ dàng. Bé chưa biết nói nên bố mẹ thường gặp khó khăn mỗi khi muốn hiểu được cảm xúc và nhu cầu của bé. Tuy nhiên, nếu mẹ quan sát kỹ sẽ hiểu được tại sao bé lại như vậy.
Bé sơ sinh có 3 nhóm ngôn ngữ cơ thể chính:
- Tiếng khóc
Tiếng khóc chính là hệ ngôn ngữ cơ thể dễ nhận thấy nhất ở trẻ sơ sinh.
- Khóc gọi mẹ: Thông thường trẻ sẽ khóc sau đó sẽ dừng lại trong vài giây như để chờ mẹ. Nếu không được mẹ phản hồi thì bé sẽ tiếp tục khóc, có thể dồn dập hơn cho đến khi được mẹ bế đón, vỗ về.
- Khóc vì đói: ban đầu bé có thể khóc giống như khóc gọi mẹ, nhưng nếu không được mẹ cho ăn kịp thời thì bé sẽ khóc ầm ĩ hơn và bé sẽ trở nên cáu giận.
- Khóc vì đau: tiếng khóc của bé thường là những âm thanh đơn, to và không đổi. Bé có thể khóc dữ dội hơn. Tuy nhiên, nếu bé bị ốm, tiếng khóc của bé cũng có thể giống vậy nhưng nhỏ hơn.
- Khóc do các lý do sinh lý: những hiện tượng sinh lý nào như ợ, đi tiểu tiện hay đại tiện đều có thể gây khó chịu cho bé. Vậy nên, bé có thể sẽ khóc rên rỉ hoặc khóc thét lên.
- Khóc vì buồn ngủ: Khi bé buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ ngay thì bé sẽ khóc theo kiểu ăn vạ kèm theo ngáp. Lúc này, bé cũng thường dụi mắt và tai.
- Khóc vì khó chịu: bé khóc không liên tục, thông thường sẽ đi kèm với sự bồn chồn, cáu giận, khó chịu, bé cũng có thể ưỡn người. Lúc này, mẹ cần kiểm tra bimr của bé, thân nhiệt, quần áo của bé có bị nóng hay lạnh quá không. Bé cũng có thể khóc đơn giản là vì muốn thay đổi môi trường, vị trí hoặc tư thế khác.
- Âm thanh bé phát ra
Hệ ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh này thường bắt đầu xuất hiện khi trẻ được 4 tháng tuổi. Lúc này, bé sẽ bắt đầu để tìm kiếm sự giao tiếp xung quanh và mong muốn được đáp ứng những nhu cầu của cơ thể. Những âm thanh bé thường phát ra như sau:
- “Neh” – Con đang đói: Âm thanh này nghe như tiếng chép miệng, tiếng kêu như đang bú, mút.
- “Eh” – Con muốn ợ hơi: bé đang cố gắng tạo phản xạ để ợ hơi ra khỏi miệng.
- “Owh” – Con buồn ngủ rồi: Khi cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ, bé sẽ gập môi lại và phát ra tiếng kêu này rồi sau đó bé sẽ ngáp ngủ.
- “Heh” – Con không thấy thoải mái: bé cố gắng di chuyển cả cơ thể mình, giật tay chân, tạo ra tiếng động và miệng bé hơi há để phát ra âm thanh.
- “Eairh” – Con bị đầy hơi và đau bụng: Khi cố gắng thoát khỏi cơn đau bụng hay đầy hơi, bé sẽ phát ra kiểu âm thanh như bị méo tiếng và biến thành tiếng rên. Trong khi đó, bé sẽ ưỡn căng bụng rồi thở ra.
- Cử động cơ thể của trẻ
- Cong lưng: Nếu bé cong lưng lên sau khi ăn, có nghĩa là bé đã no. Đối với bé trên 2 tháng tuổi, động tác cong lưng thường là biểu hiện của sự mệt mỏi và tâm trạng của bé đang không tốt.
- Xoay đầu: Đây là một cử động giúp trẻ sơ sinh cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn. Bé có thể xoay đầu trước khi bé chìm vào giấc ngủ.
- Nắm tai: thông thường cử động này của bé đơn giản là em đang khám phá cơ thể của mình. Tuy nhiên, nếu bé liên tục nắm tai, bứt rứt, hay rên khóc và lặp đi lặp lại thường xuyên thì mẹ cần đưa bé đi khám để tìm nguyên nhân.
- Nắm chặt tay: Đây là một dấu hiệu thể hiện tình trạng bé bị đói.
- Co chân: Dấu hiệu này cho thấy bé đang bị đau bụng hoặc đau ở một vị trí nào đó trên cơ thể. Bé co chân để xoa dịu cơn đau.
- Giật tay: Hành động này có nghĩa là bé đang sợ hãi, giật mình. Lúc này, bé rất cần được mẹ vỗ về, an ủi.
Hiểu con là cả một hành trình dài của tình yêu thương, vậy nên ba mẹ hãy kiên trì quan sát con để có thể xây dựng được mối liên kết với con. Từ đó hành trình chăm sóc con nhỏ sẽ trở nên tuyệt vời hơn.
Thanh Loan – Phòng Kế hoạch tổng hợp
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh