Hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C hậu Covid hiện nay đang là vấn đề đặc biệt quan tâm đối với các bậc cha mẹ nói riêng và xã hội nói chung. MIS-C có thể xảy ra với bất kỳ trường hợp trẻ bị Covid dù ở mức độ nặng hay nhẹ sau vài tuần điều trị khỏi. Do đó mà các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý để bảo vệ sức khoẻ của con em mình.
Hậu COVID-19 không chỉ diễn ra ở người lớn mà còn diễn ra ở trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ không chú ý, trẻ có thể gặp biến chứng về đường hô hấp, tim mạch… thậm chí là tử vong.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, số lượng các trẻ nhi đến bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh khám hậu covid-19 khoảng gần nghìn lượt bệnh nhân. Đặc biệt, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh liên tục tiếp nhận hơn 10 trẻ mắc di chứng hậu COVID -19 từ nhẹ đến nặng, đặc biệt là Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Đa số trẻ bị nhập viện điều chưa được tiêm phòng COVID -19, với các biểu hiện như nổi ban mẩn đỏ toàn thân, đau bụng, nôn trớ, đi ỉa phân lỏng, đỏ mắt, xuất hiện lại cơn sốt….
- MIS-C là gì?
+ Đây là tình trạng viêm các bộ phận cơ thể như tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc cơ quan tiêu hóa.
+ Cơ chế: chưa rõ ràng, một số giả thuyết cho rằng hội chứng này là kết quả đáp ứng miễn dịch bất thường với virus, gây ra tình trạng viêm quá mức trong hệ thống cơ quan của trẻ.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chuyên gia đã ghi nhận hội chứng MIS-C có thể xuất hiện trong khoảng thời gian 2-6 tuần sau khi trẻ khỏi bệnh COVID-19.
- MIS-C có hay gặp không?
+ Theo báo cáo của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, MIS-C xuất hiện ở khoảng 3000-4000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm SARS-CoV-2.
+ MIS-C xảy ra ở mọi lứa tuổi từ sơ sinh đến vị thành niên (dưới 21 tuổi), thường gặp nhất trong độ tuổi từ 5 đến 13 tuổi. Ở nước ta, tại các bệnh viện nhi trong toàn quốc đã ghi nhận rải rác các trường hợp MIS-C, đặc biệt có những trường hợp nguy kịch, đe dọa tính mạng.
- Biểu hiện hội chứng MIS-C hậu Covid ở trẻ?
- Sốt liên tục trên 24 giờ đi kèm hiện tượng viêm kết mạc mắt
- Da xuất hiện tình trạng nổi ban đỏ hoặc xung huyết.
- Niêm mạc miệng, bàn tay và chân có hiện tượng phù nề, đôi khi còn nóng, đỏ.
- Rối loạn tiêu hoá với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa.
- Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp tình trạng sốc, chóng mặt, rối loạn đông máu hoặc tổn thương thận cấp,…
- Nhức đầu, mệt, choáng váng, thờ ơ, lú lẫn.
- Khó thở, đau tức ngực,..
- Chẩn đoán Mis-C
Việc chẩn đoán MIS-C ở trẻ hậu Covid cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất
Các bác sĩ khai thác tiền sử các cháu đã từng mắc Covid -19 hoặc trong gia đình có người mắc Covid-19 trong khoảng 2-6 tuần, thực hiện thăm khám toàn diện và làm một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Chụp X-quang ngực.
- Siêu âm tim, Điện tâm đồ.
- Siêu âm bụng, ….
- Điều trị Mis-C
Việc điều trị hội chứng MIS-C thường tập trung làm giảm triệu chứng để ngăn ngừa bệnh trở nặng. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh nhằm mục đích loại bỏ tình trạng nhiễm khuẩn. Trường hợp trẻ sốt liên tục đi kèm biểu hiện mất nước thì sẽ có thể được chỉ định truyền dịch nếu cần thiết.
Theo phác đồ điều trị COVID-19 ở trẻ em hiện nay của Bộ Y tế, điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch (Imunoglobulin truyền tĩnh mạch) và kháng viêm (Corticoid); thuốc kháng đông được sử dụng khi có nguy cơ huyết khối.
- Cách phòng chống MIS-C ở trẻ
Tiêm ngừa phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với những trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng thì các bậc cha mẹ có thể bảo vệ con bằng cách đảm bảo toàn bộ người lớn trong gia đình đều được chích ngừa.
Ngoài ra, trẻ cần được chăm sóc đúng cách:
- Đeo khẩu trang.
- Giữ khoảng cách với người khác.
- Hạn chế đến những nơi đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay.
Nguyễn Đắc Thành – Khoa Khám bệnh CCBĐ