Trong thời gian mang thai, sức đề kháng của cơ thể bà bầu bị suy giảm và rất dễ mắc một số bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Lúc này, hệ miễn dịch đang tập trung bảo vệ thai nhi. Do đó phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh hơn. Các bệnh thường gặp khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi mà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý.
- Mất ngủ: Mất ngủ là bệnh hay gặp nhất của sản phụ ở trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Mất ngủ kéo dài sẽ làm tăng cảm giác khó chịu cho sản phụ. Để có được giấc ngủ ngon giấc, các mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, không nên dùng đồ uống hoặc thức ăn có nhiều Vitamin C nếu có mất ngủ.
- Táo bón
Trong thời kì mang thai, chị em ít vận động; hơn nữa, nồng độ hormone progesteron trong máu tăng lên làm giảm nhu động ruột; thai phát triển gây chèn ép đại tràng khiến phân chậm di chuyển. Những chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể. Đây chính là nguyên nhân hơn 50% thai phụ thường gặp rắc rối với vấn đề đại tiện, chủ yếu là táo bón.
Để ngăn ngừa bệnh táo bó, khi mang thai, thai phụ nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả…
- Thiếu máu
Nhu cầu sắt tăng cao ở phụ nữ có thai là nguyên nhân chính gây ra thiếu máu. Thiếu máu ở phụ nữ khi mang thai nếu nhẹ thì không có vấn đề gì nhưng nặng sẽ đặc biệt nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản… Ngoài ra, nếu có xuất huyết hậu sản sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người mẹ.
Mẹ thiếu máu dễ sinh con thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai và tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Đặc biệt, con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ còn có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
Để dự phòng thiếu sắt, phụ nữ mang thai nên chú ý tăng cường sắt từ những thực phẩm có màu đỏ, cá, trứng, rau có màu xanh đậm hoặc các chế phẩm bổ sung sắt vào cơ thể.
- Chuột rút
Chuột rút là chứng cơ bắp co thắt khiến mẹ bầu rất đau, thường xảy ra ở bắp chuối chân và bàn chân, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh này xảy ra ở thai phụ thường là do cơ thể thiếu canxi.
Xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân và bàn chân bị co rút sẽ giúp các bà bầu có cảm giác thoải mái hơn, sau đó đi dạo một vòng để máu lưu thông tốt hơn. Khám bệnh để bác sĩ bổ sung thêm canxi và vitamin D.
- Cảm cúm
Do sức đề kháng của phụ nữ mang thai thường giảm nên dễ bị nhiễm siêu vi gây bệnh cảm cúm. Phụ nữ mang thai nếu bị cảm cúm nên ăn nhiều tỏi, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để nâng cao hệ miễn dịch. Đặc biệt không được uống thuốc cảm cúm bừa bãi mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ là do uống thuốc cảm cúm khi mang thai.
- Trầm cảm
Triệu chứng của bệnh là mất hết năng lượng, mất ngủ và chán ăn. Bệnh gây nên những hậu quả nghiêm trọng như cơ thể gầy yếu, kém sức sống, nghiện các chất kích thích và thậm chí là tự tử. Trẻ vì thế mà bị suy thai, chậm phát triển, sinh non. Trầm cảm là bệnh mà bất cứ mẹ bầu nào đều không mong muốn mắc phải. Thậm chí mức độ nguy hiểm của bệnh này còn nguy hiểm hơn so với các căn bệnh khác. Nếu có dấu hiệu bị bệnh, hãy lập tức đến bệnh viện được bác sĩ thăm khám và điều trị.
- Viêm nhiễm âm đạo
Theo thống kê, có khoảng 70% phụ nữ mang thai mắc phải các căn bệnh viêm nhiễm; trong đó có viêm nhiễm âm đạo. Tưởng chừng như đây là căn bệnh khá phổ biến cũng như đơn giản. Nhưng trên thực tế, nếu mẹ bị viêm nhiễm âm đạo nghiêm trọng; hoặc mắc các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường sinh dục; thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị nhẹ cân; nhiễm khuẩn hoặc vi nấm, suy dinh dưỡng… Đặc biệt đối với trẻ sinh thường thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn hẳn.
Triệu chứng hay gặp là dịch âm đạo có màu vàng đục hoặc trắng, có mùi hôi hoặc tanh, Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu. Nếu thấy có các triệu chứng trên khi đang có thai, bạn nên ngừng việc quan hệ tình dục và đi khám sớm. Dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.
- Tiểu đường thai kì
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai.
Ảnh hưởng với thai nhi: giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức, tăng hồng cầu, suy hô hấp, vàng da sơ sinh…
- Tiền sản giật
Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm cho thai kỳ mà cho tới nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tỷ lệ mắc từ 2-8% số phụ nữ mang thai; làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sinh non tháng cũng như suy dinh dưỡng ở trẻ sau này.
Biểu hiện thường gặp là cao huyết áp, phù mặt, phù chân tay và nước tiểu có nhiều chất đạm. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu khiến máu chảy không cầm được; có thể co giật trước, trong và sau khi sinh làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung. Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng nhau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong (10%).
Để có thai kỳ khỏe mạnh mẹ bầu cần chủ động trong việc thực hiện chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp, ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ và lành mạnh để dự phòng tiền sản giật. Đồng thời thực hiện khám thai đều đặn giúp tầm soát, phát hiện kịp thời nguy cơ để được hỗ trợ phù hợp, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bs Lương Đức Ngư