Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi khóc trẻ thở sâu hơn và do đó sẽ hít được nhiều thuốc hơn từ máy khí dung hô hấp. Thực tế hoàn toàn khác. Khóc là nhịp thở ra kéo dài, sau nhịp thở ra này trẻ hít vào rất nhanh để lấy hơi, vì vậy hầu như chẳng có chút thuốc nào vào được phổi nếu trẻ khóc trong khi thực hiện liệu pháp khí dung.
Khi khí dung hô hấp, trẻ đeo mặt nạ và hít thở khoảng 5-10 phút cho tới khi hết thuốc. Nếu mặt nạ nằm cách mặt bé 1,2 cm thì một nửa lượng thuốc sẽ không tới được phổi. Tỷ lệ thuốc bị thất thoát sẽ lên tới 80% nếu để mặt nạ cách mặt 2,5 cm. Sau đây là một số lưu ý giúp việc khí dung tại nhà mang lại hiệu quả cao hơn:
– Chọn thời điểm thích hợp: Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi. Tránh thời gian ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn vì nếu trẻ không hợp tác rất dễ gây nôn và sặc cho trẻ
.
Ảnh minh họa: Chọn thời điểm thích hợp sử dụng máy khí cho trẻ
– Tạo môi trường yên tĩnh: Khí dung thường kéo dài 5-10 phút, tối đa là 15 phút. Trong thời gian này, trẻ cần tập trung hít thở sâu để thuốc có thể đi vào phổi.
– Chọn mặt nạ kích thước phù hợp: Mặt nạ phải có kích thước phù hợp và được đặt ngay ngắn trên mặt bệnh nhi, nếu không phần lớn các giọt sương sẽ không đi vào mũi hay đường thở. Nếu có thể thì nên sử dụng ống thở miệng thay cho mặt nạ khi khí dung kháng sinh hoặc corticoid để đề phòng thuốc thoát ra không khí, đồng thời giảm thiểu lượng thuốc lắng đọng ở mặt của trẻ.
– Kiểm tra loại thuốc và liều thuốc trước khi khí dung: Luôn đọc kỹ tên thuốc và chỉ sử dụng loại thuốc cũng như liều thuốc mà bác sĩ chỉ định. Thuốc giãn phế quản salbutamol có thể gây một số tác dụng phụ lớn như đau ngực, co thắt phế quản, lo lắng cực độ, tăng huyết áp, gây đau ở chân hoặc khiến trẻ thở hụt hơi.
– Thư giãn và bình tĩnh: Trẻ nhỏ thường khó ngồi yên suốt thời gian khí dung, điều này có thể khiến bạn nổi cáu với con. Cha mẹ nên cố gắng thư giãn trước khi khí dung cho con và duy trì sự bình tĩnh trong suốt thời gian điều trị. Thay vì nổi cáu với con, hãy cố gắng tập trung sự chú ý của trẻ vào thứ gì đó hấp dẫn hơn, để trẻ khỏi lo lắng về chiếc mặt nạ trên mặt mình. Cho trẻ xem cuốn truyện yêu thích, đặt trẻ vào lòng và cùng trẻ chơi một trò chơi đặc biệt dành riêng cho thời gian khí dung
.
Ảnh minh họa: Trẻ nhỏ thường khó ngồi yên suốt thời gian khí dung
– Không tự khí dung cho bé: Một số cha mẹ nghĩ rằng càng khí dung nhiều thì bé càng chóng khỏi bệnh. Họ tự khí dung cho con. Điều này có thể dẫn tới quá liều và phụ thuộc thuốc, gây tổn hại lâu dài cho phổi (phần lớn thuốc khí dung là corticoid, quá liều có thể gây tác dụng phụ rất nguy hiểm). Cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc cần khí dung và lịch khí dung.
– Nên cho trẻ súc miệng và rửa mặt sau khi dùng khí dung để tránh tình trạng khàn tiếng, ho, nhiễm nấm vùng họng hầu,…Sau khi sử dụng cần bảo quản máy khí dung cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm khuẩn vào phổi khi sử dụng máy có chứa vi khuẩn, đồng thời giúp đảm bảo độ bền của máy. Nên rửa mặt nạ, cốc đựng thuốc dưới vòi nước sạch và để khô. Lưu ý không nên đặt máy vào nước. Thường xuyên dùng khăn ẩm để lau mặt ngoài của máy.
Nếu bố mẹ có thắc mắc về những vấn đề sức khỏe ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm:
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Đường Huyền Quang, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh
Hotline: 1900588827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn/
Hồng Minh- Phòng Điều dưỡng