Ngộ độc paracetamol
Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi không cần đơn do vậy tỉ lệ ngộ độc paracetamol xu hướng tăng nhanh.
Đây là một thuốc tương đối an toàn. Tuy nhiên khi dùng quá liều hoặc với liều điều trị cũng có thể gây ngộ độc ở những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, nghiện rượu, điều trị động kinh, dùng thuốc chống lao, bệnh nhân bị bệnh gan.
Liều dùng của Paracetamol với người lớn là 1 lần 1 viên uống hoặc đặt hậu môn 325 – 650mg, sử dụng cách nhau 4 – 6 giờ. Các trường hợp đặc biệt được chỉ định dùng thuốc với hàm lượng 1000mg thì dùng liều tiếp theo sau 6-8 giờ. Với trẻ em, liều dùng được điều chỉnh dựa theo trọng lượng của trẻ: 10-15mg/kg, mỗi lần dùng cách 4 – 8 giờ.
Liều paracetamol gây ngộ độc là > 150mg/kg cân nặng.
Triệu chứng ngộ độc paracetamol: chia 4 giai đoạn
– Giai đoạn 1 (trước 24 giờ): bệnh nhân thường không có triệu chứng, có thể gặp buồn nôn, nôn.
Buồn nôn và nôn là triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh
– Giai đoạn 2 (1-3 ngày): khó chịu hoặc đau hạ sườn phải là triệu chứng thường gặp. AST, ALT tăng nhanh và đạt nồng độ đỉnh từ 48-72 giờ, có thể tăng đến 15 000 – 20000 IU/l. Viêm gan nhiễm độc khi nồng độ ALT hoặc AST > 1000. Ở bệnh nhân sống thì enzym gan nhanh chóng trở về bình thường. Có thể có rối loạn đông máu, tỉ lệ prothromin giảm, tăng thời gian prothrombin và INR, tăng bilirubin máu và suy thận (hoại tử ống thận).
– Giai đoạn 3 (từ 3-4 ngày): với những ca nặng có thể tiến triển thành suy gan tối cấp biểu hiện vàng da, bệnh não gan, rối loạn đông máu, tăng amylase máu, suy đa tạng và tử vong. Toan chuyển hóa nặng kèm theo tăng lactat.
– Giai đoạn 4 (từ ngày 5-2 tuần): giai đoạn phục hồi, cấu trúc và chức năng gan dần trở về bình thường.
Điều trị ngộ độc paracetamol:
- Các biện pháp hồi sức A, B, C: Gồm hỗ trợ các chức năng sống, đặc biệt về hô hấp, tuần hoàn và thần kinh khi các dấu hiệu sống không ổn định.
- Loại bỏ chất độc:
+ Rửa dạ dày: khi bệnh nhân đến bệnh viện sớm, trong vòng giờ đầu. Số lượng dịch rửa 3-5 lít, dung dịch nước pha muối ăn 5g/lít.
+ Than hoạt đơn liều: 1-2g/kg ở trẻ em; 50-100g ở người lớn
- N- acetylcystein (NAC): Chỉ định dùng NAC:
+ Trường hợp ngộ độc acetaminophen cấp, đối chiếu nồng độ acetaminophen máu tại thời điểm ≥ 4 giờ lên đồ thị Rumack matthew ở ngưỡng điều trị
+ Nghi ngờ uống một liều cấp > 150 mg/kg (tổng liều 7,5 g) trong điều kiện không định lượng được nồng độ acetaminophen máu sau uông quá 8 giờ.
+ Bệnh nhân không rõ thời gian uống và nồng độ acetaminophen máu > 10mcg/ml (66µmol/l).
+ Bệnh nhân có tiền sử uống acetaminophen và có tổn thương gan ở bất kỳ mức độ nào
+ Bệnh nhân đến viện muộn (> 24 giờ sau uống) và có tổn thương gan (từ tăng nhẹ aminotransferase đến suy gan tối cấp) và có uống acetaminophen quá liều điều trị.
N- acetylcystein (NAC) là thuốc điều trị ngộ độc paracetamol
- Các điều trị hỗ trợ khác, lọc máu liên tục, ghép gan, theo dõi và xét nghiệm trong quá trình điều trị.
Cách phòng ngừa ngộ độc paracetamol:
Người dân không nên uống paracetamol quá 3 gam/ngày, với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ không nên tự dùng paracetamol vì với liều điều trị cũng có thể gây ngộ độc. tốt nhất nên đi khám bệnh và dùng theo đơn của bác sỹ.
Tránh không dùng nhiều loại biệt dược cùng có paracetamol.
Nhìn chung, ngộ độc paracetamol nếu được điều trị sớm và đúng cách thì hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc điều trị muộn, bệnh nhân có thể bị suy gan, thậm chí tử vong. Vì thế, khi sử dụng paracetamol, nên xác định liều lượng chính xác để tránh ngộ độc paracetamol bạn nhé.
Bác sĩ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH