Những ngày gần đây trước thông tin TP HCM công bố dịch sởi đồng thời các bạn nhỏ đã bước vào năm học mới, đây chính là những vấn đề mà các bố mẹ rất rất lo lắng.Vậy bệnh sởi là gì?
Sau đây là những thông tin mà các bố mẹ cần nắm để hiểu hơn về bệnh sởi cũng như cách để điều trị tại nhà nếu không may con mắc sởi.
- Sởi lây qua đường nào? Và cần cách ly bao lâu?
Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Chỉ lây ở người, không có trung gian truyền bệnh, không có ở vật nuôi. Nên không cần cách ly với vật nuôi trong nhà. Bệnh lây trước khi bắt đầu 1 – 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng cho đến sau phát ban 4 ngày. Thường sau khi phát ban được 4 ngày thì khả năng lây sẽ giảm đi. Đó là lý do nếu nghi ngờ sởi phải cách ly cho đến khi phát ban được 4 ngày
- Biểu hiện của một ca bệnh sởi điển hình trải qua như thế nào?
Sởi thường trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát (2 – 4 ngày): sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik. Giai đoạn này lây nhiều nhất.
Hình ảnh: Hình ảnh hạt Koplik
- Giai đoạn toàn phát (2 – 5 ngày): sau khi sốt cao 3-4 ngày, phát ban từ sau tai, sau gáy → trán, mặt, cổ→thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Thứ tự xuất hiện ban rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh.
Hình ảnh: Hình ảnh ban sởi
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu (vằn da hổ).
- Biến chứng của bệnh?
Biến chứng nguy hiểm bao gồm: viêm phổi 5% nguyên nhân thường gặp gây tử vong ở Sởi. triệu chứng gợi ý là trẻ vẫn sốt cao sau khi phát ban hay ban bay, thở nhanh, rút lõm ngực. Viêm não để lại di chứng điếc, thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra còn có viêm tai giữa, viêm ruột, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng, khô giác mạc do thiếu Vitamin A.
- Có phải bệnh sởi là phải nhập viện điều trị?
Bệnh sởi có nhiều mức độ. Với thể nhẹ ban rải rác, nhạt, rời rạc, không kết dính, bay nhanh. Thường phục hồi nhanh và gặp ở trẻ đã chủng ngừa. Thể nặng ban dày đặc, che kín toàn bộ da trên cơ thể, ban mọc ở cả gan bàn tay, chân. Những tình huống sau đây cần phải nhập viện:
- Sốt cao khó hạ > 48 giờ
- Còn sốt cao sau khi ban đã thâm, bay (tầm soát lý do sốt kéo dài)
- Thể nặng
- Có bệnh lý nền: tim bẩm sinh, đang viêm phổi (virus, vi khuẩn), suy giảm miễn dịch (đang điều trị ung thư, thận hư…)
- Có biến chứng viêm phổi, viêm não tủy
- Nguyên tắc điều trị sởi tại nhà với thể nhẹ
- Cách ly: từ lúc nghi sởi đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.
- Vệ sinh da, mắt, miệng họng.
- Tăng cường dinh dưỡng
- Hạ sốt
- Bổ sung vitamin A: < 6 tháng: 50.000 UI x 2 ngày liên tiếp; trẻ 6 – 12 tháng tuổi: 100.000 UI x 2 ngày liên tiếp; Trẻ > 12 tháng tuổi và người lớn: 200.000 UI x 2 ngày liên tiếp. Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4 – 6 tuần.
- Theo dõi các dấu hiệu gợi ý biến chứng.
- Tuyệt đối không sử dụng Corticoid khi chưa loại trừ sởi.
Nếu có thắc mắc cần được tư vấn mời Quý phụ huynh liên hệ theo các cách sau để được hỗ trợ:
——————————————————————————————–
Bs Nguyễn Thị Tâm – Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hoá nhi
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh