Người mẹ nào khi mang thai cũng đều mong muốn được “vuông tròn hạnh phúc”, đón thiên thần của mình khoẻ mạnh, đủ ngày, đủ tháng. Nhưng có những em bé rất đặc biệt, muốn chào đời sớm hơn dự kiến rất nhiều tuần, nhiều ngày phải nuôi dưỡng trong lồng kính, từng phút, từng giờ chênh vênh giữa mong manh hai bờ sinh – tử. Tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh, có một khoa luôn tiếp nhận, nuôi dưỡng và giành giật sự sống cho những thiên thần nhỏ bé như vậy. Cũng từ nơi đó, nhiều câu chuyện xúc động được lưu lại trong cuốn Nhật ký Mẹ và Bé, như một phần không thể thiếu của cuốn phim quay chậm về hành trình vượt qua “cửa tử” đầy kỳ tích của những em bé sinh non.
Mong manh nguồn sống
Sau khi bế em bé đi cân về, vừa trao trả cho mẹ bé – chị Nguyễn Thị Ngọc Hướng (Xuân Lâm,Thuận Thành), Bác sĩ Hoàng Thị Hương, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh tươi cười: “Con được 2,9kg nhé mẹ! Trộm vía cái má phính hơn rồi!”. Con trai chị Hướng là em bé sinh non nhất tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh được nuôi dưỡng thành công với tuổi thai khi sinh chỉ có 24 tuần 6 ngày, cân nặng 500gr. Sau 70 ngày được nuôi dưỡng trong lồng kính với sự hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị hiện đại nhất, em bé được cai thở máy, đưa về buồng bệnh bình thường ở cùng với mẹ.
Chị Hướng xúc động cho biết “Em nằm theo dõi thai tại Bệnh viện từ khi thai mới 17 tuần do doạ sinh non, sau đó lại phát hiện rau tiền đạo. Khi con sinh ra, chưa tròn 25 tuần, nặng có nửa kg, cả gia đình em không ai dám hy vọng cháu có thể sống. Tuần đầu tiên không hy vọng, sau nửa tháng có hy vọng nhưng rất mong manh, kể cả đến khi cháu tăng lên được 900gr cũng là nửa mừng, nửa lo… Ngày dự sinh của con là 1-6 mà con phải chào đời sớm tới hơn 3 tháng, con bình an ở lại quả thực là một kỳ tích. Một lời không nói hết được, gia đình em biết ơn sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ”.
Ngành y tế định nghĩa, trẻ sinh non là trẻ sinh ra dưới 37 tuần tuổi, có khả năng sống được, phân nhóm theo tuổi thai và theo cân nặng. Theo tuổi thai, trẻ sinh non vừa từ 32-37 tuần, trẻ rất non từ 28-32 tuần, trẻ cực non dưới 28 tuần. Theo cân nặng, trẻ có cân nặng thấp từ 1.500gr -2.500gr, trẻ có cân nặng rất thấp từ 1.000gr-1.500gr, trẻ có cân nặng dưới 1.000gr được coi là cực thấp. Trước đây, việc nuôi dưỡng và cứu sống những trẻ sinh thiếu tháng chủ yếu thuộc nhóm rất non, có cân nặng rất thấp, song những năm gần đây, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều trẻ sinh cực non, có cân nặng cực thấp cũng được Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh nuôi sống. Nhờ sự trợ giúp của hệ thống máy thở chức năng cao, hệ thống lồng ấp hiện đại, đèn chiếu vàng da, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, monitor 6 thông số… nhiều em bé có cân nặng dưới 900gr cũng đã được nuôi dưỡng thành công tại khoa Sơ sinh.
Hệ thống máy thở cao tần hỗ trợ hiệu quả công tác điều trị, cứu sống trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý nặng về hô hấp.
Để làm chủ được hệ thống trang thiết bị hiện đại đó, tập thể 8 bác sĩ và 21 điều dưỡng của khoa Sơ sinh không ngừng học tập, đào tạo cập nhật và nâng cao chuyên môn về cấp cứu hồi sức, chăm sóc trẻ sơ sinh. Mới đây, khoa được trang bị thêm hệ thống máy thở cao tần (HFO), bước đầu cho thấy hiệu quả ưu việt trong cứu sống trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Bác sĩ Hoàng Thị Hương chia sẻ “Khoa Sơ sinh có hơn 30 lồng ấp và giường hồi sức sơ sinh, chuyên tiếp nhận nuôi dưỡng và điều trị những trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có các bệnh lý như: Chậm tiêu dịch phổi, xuất huyết phổi, nhiễm khuẩn sơ sinh, vàng da, viêm màng não mủ… Khoa triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị, nuôi dưỡng các bệnh nhi như: Đặt và theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập, đặt longline… cứu sống nhiều bệnh nặng bị tràn khí màng phổi, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng nặng. Trước đây, những trẻ bị xuất huyết phổi thường gặp nhiều ở trẻ đẻ non đều tử vong hoặc phải chuyển tuyến, song hiện nay với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là máy thở cao tần sẽ mang lại cơ hội sống cho trẻ sinh non, thậm chí là cực non”.
Phải nói thêm, máy thở cao tần là máy thở hiện đại nhất tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh, hiện nay, không nhiều bệnh viện tuyến tỉnh được trang bị hệ thống này.
Ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh không khó để nhìn thấy hình ảnh ông bố, bà mẹ nào đó rón rén thăm con với ánh mắt vừa lo lắng lại vừa lóe những tia hy vọng. Trước mắt họ là một sinh linh bé nhỏ chỉ mấy trăm gram, lọt thỏm trong lồng kính, xung quanh là một đống dây dợ nối với bao nhiêu loại máy móc, thiết bị, mỗi giờ, mỗi ngày kiên cường giành giật sự sống. Thông thường mỗi tuần 2 lần, người nhà được vào thăm em bé, còn lại mọi việc chăm sóc toàn diện đều do các cô điều dưỡng phụ trách. Có những bà mẹ phải dùng máy hút sữa để kích sữa về, hút ra, gửi vào cho con bú, một số bà mẹ không có sữa, con phải nuôi “bộ” với sữa công thức hoặc xin sữa mẹ từ các bà mẹ mới sinh tại đây.
Ngay khi lọt lòng, đáng lẽ những thiên thần nhỏ bé ấy được nằm trong vòng tay mẹ, được thoả thuê bú dòng sữa mát lành từ bầu ngực căng tròn của mẹ, thì các con lại sống những ngày đầu tiên trong lồng kính. Nhiệm vụ của các điều dưỡng chăm sóc cho các trẻ sinh non vì thế cũng trở nên hết sức đặc biệt. Ngày ngày sát cánh cùng các con, ân cần chăm lo từng bữa ăn, vệ sinh các trẻ, tiêm truyền, theo dõi các chỉ số sinh tồn, hơn ai hết, họ hiểu rằng ở nơi này, sự sống với các bé rất mong manh. Tin vui bé tiến triển tốt báo đến gia đình các bé qua nhân viên y tế, nhưng tin xấu, họ cũng phải gạt đi sự đau lòng, xót xa thông báo với người nhà bệnh nhi.
Hành trình mẹ bước cùng con
Những đứa trẻ sinh non bước vào đời rất thiệt thòi. Cuốn Nhật ký “Mẹ và Bé” được một số bà mẹ tỉ mỉ ghi lại những tâm sự xúc động như thế trong những ngày đồng hành cùng con tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh.
“Con thiệt thòi hơn các bạn. Không được mẹ ôm ấp khi mới chào đời… Hằng ngày mẹ chỉ biết vắt sữa và gửi vào cho con, rồi nghe bác sĩ tư vấn về tình trạng của con. Mỗi ngày nghe tư vấn là một ngày mẹ biết Bông của mẹ kiên cường và mạnh mẽ, mẹ tin tưởng vào sự điều trị và chăm sóc của các cô các bác trong khoa Sơ sinh. Rồi các bác sĩ thông báo con ăn được bao nhiêu ml sữa, cai được máy, đáp ứng thuốc, mẹ đã khóc vì vui mừng… Ra được với mẹ 1 ngày 1 đêm, con lại phải đưa vào khu cách ly vì xuất hiện cơn ngừng thở. Khi được đón con, mẹ không nhận ra con gái, từ cô bé nặng 1kg, trong 1 tháng má con đã phính ra, con nhanh nhẹn hơn, hay cười… mẹ thầm cảm ơn vì thấy với số lượng trẻ sơ sinh non yếu đông như thế nhưng các y bác sĩ vẫn ngày đêm chăm sóc, chăm như thể con cái mình vậy, rất ân cần và thương các con. Mẹ thấy quyết định để con ở lại đây điều trị là đúng đắn vì đã có lúc mẹ muốn xin chuyển tuyến…”.
“Tôi được cấp cứu lên bệnh viện và đẻ gấp trong tình trạng 2 bé mới 26 tuần, khi ra đời mỗi bé chỉ có 8 lạng… Bác sĩ nói 2 bé rất nguy kịch vì con quá non, khó có thể vượt qua… Sau 38 ngày nằm chờ, hằng ngày vắt sữa, nghe tư vấn tình trạng của con mà mẹ sốt ruột và lo lắng cho 2 con bên trong kia vì 2 con rất nhỏ về tuổi thai lẫn cân nặng mà tình trạng lại không tốt so với các bạn khác. Bình được ra với mẹ trước, bé An còn yếu vẫn phải nằm bên trong, đến ngày thứ 52 bé mới được ra ngoài ghép mẹ… Hôm nay các con gần được ra viện, cũng là hơn 2 tháng chữa trị khó khăn, các con được chăm sóc nuôi dưỡng khoẻ mạnh, từ 8 lạng đã tăng lên 1,8kg…”.
Chăm sóc, vệ sinh các bé sơ sinh non yếu là công việc thường ngày của điều dưỡng viên Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh.
“Mẹ con mang thai mới được 30 tuần 6 ngày thì sinh con ra, khi đấy con được 1,75kg. Khi con cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc các bác các cô cho còn vào lồng kính để cứu sống con. Bố mẹ chỉ biết trông vào các bác, các cô chăm sóc. Ngày 30-11, con đã khoẻ mạnh, được ra ngoài chuyển vào phòng ấp mẹ. Bố mẹ con rất vui, niềm vui không có gì so sánh được, đó là niềm vui như con được sinh ra một lần nữa. Niềm vui chan hoà vào nước mắt khi bố mẹ dang tay đón con từ đôi bàn tay của thiên thần áo trắng…”.
“Ngày 29-4-2020… Tên tôi là Lường Thị Tư, mẹ của bé Hà Văn Kiệt. Sinh con ở tuần thứ 25, cân nặng có 5 lạng, được các bác sĩ đưa vào khu điều trị đặc biệt đến nay đã 75 ngày. Nhờ các y bác sĩ chăm sóc tận tình, giờ con đã được 1,9kg. Hôm nay con được xuất viện về đoàn tụ với gia đình…”.
Không phải bà mẹ, ông bố nào cũng biết diễn đạt bằng lời hay ý đẹp, không phải gia đình nào có con điều trị tại khoa Sơ sinh đều ghi lại xúc cảm vào cuốn Nhật ký. Nhưng có thể thấy, dù câu chuyện đến với thế giới này của mỗi em bé là khác nhau, vẫn tựu chung lòng biết ơn sâu sắc với sự tận tâm chăm sóc của các y bác sĩ nơi đây. Chính sự săn sóc tận tình của nhân viên y tế đã tiếp thêm sức mạnh để các bé yêu mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn đầu đời.
Chào đời khi thiếu nhiều tuần tuổi, phải giành giật sự sống trong những lồng ấp, sự phát triển của trẻ sinh non phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và môi trường xung quanh. Mỗi em bé là một cá thể riêng biệt, bé sinh càng non tháng, càng nhỏ bé thì nguy cơ về bệnh tật và biến chứng càng cao, đồng nghĩa với trách nhiệm của các y – bác sĩ tại Khoa Sơ sinh càng nặng nề hơn.
Trước xu hướng gia tăng trẻ sinh non, việc phát triển khoa Sơ sinh thành Trung tâm Hồi sức Sơ sinh là định hướng, mục tiêu trong những năm tới của Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh. Đó là khẳng định của Tiến sĩ, Bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện khi nói về những nỗ lực của đơn vị trong công tác củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị, chăm sóc trẻ sinh non. Ở tương lai gần, Bệnh viện sẽ triển khai thêm kỹ thuật thay máu điều trị vàng da bệnh lý, kỹ thuật làm mát não… trong điều trị, hồi sức sơ sinh. Với đà phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cao, mai đây, sẽ có thêm nhiều hơn nữa những “mầm xanh” được nuôi dưỡng, vươn tay đón chào những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc sống tương lai…
Nguồn: Theo Việt Hoa – Báo Bắc Ninh