Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng gây tổn thương nhu mô phổi, suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí. Khi trẻ bị viêm phổi, điều trị sớm, đúng phác đồ kết hợp chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Sau đây là một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà hiệu quả mà bố mẹ có thể áp dụng.
- Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em có thể do nhiều tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Mỗi loại tác nhân sẽ gây ra những triệu chứng và mức độ tổn thương phổi khác nhau.
Trong các tác nhân siêu vi gây viêm phổi thì siêu vi hô hấp hợp bào (RSV – Respiratory syncytial virus) là tác nhân thường gặp nhất.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phổi ở trẻ em bao gồm:
- Sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với khói bụi hoặc khói thuốc lá;
- Trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, xơ nang, tim bẩm sinh…;
- Trẻ có dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp;
- Trẻ sinh non, nhẹ cân.
Viêm phổi ở trẻ em có thể do nhiều tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng.
- Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi thường khởi phát từ các triệu chứng hô hấp như sốt, ho, sổ mũi… Khi bệnh diễn tiến nặng, trẻ xuất hiện dấu hiệu khó thở, ớn lạnh, vã mồ hôi, sốt cao liên tục, rét run, đau ngực,…
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dấu hiệu viêm phổi có thể sốt hoặc không sốt. Tuy nhiên trẻ có triệu chứng ho, khò khè, thở nhanh, bú kém, bỏ bú và nhanh chóng trở nặng thành suy hô hấp.
Khi chăm sóc trẻ nhỏ bị viêm phổi, bố mẹ cần chú ý một số dấu hiệu bệnh trở nặng như:
- Trẻ sốt cao liên tục, mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục;
- Khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, thở co kéo;
- Trẻ sơ sinh bú ít hoặc bỏ bú, trẻ lớn chán ăn, bỏ ăn;
- Trẻ ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm, ban đầu đờm trắng sau đó chuyển sang vàng hoặc xanh;
- Da tái nhợt, môi khô và tím do cơ thể không nhận đủ oxy;
Trong khi đó ở trẻ lớn hơn, dấu hiệu viêm phổi nặng thường gặp gồm: khó thở, thở co kéo, thở rên, tím tái, thay đổi tri giác, có dấu hiệu mất nước…
- Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc như bác sĩ đã chỉ định, bố mẹ cần lưu ý một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà như sau:
- Hạ sốt cho trẻ
Sốt cao có thể dẫn đến mất nước. Do đó bố mẹ cần nhanh chóng hạ sốt cho trẻ khi thấy con sốt cao. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, hãy giữ cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và lau người bằng khăn ấm, tập trung vào các vùng như nách và bẹn. Đồng thời, khuyến khích trẻ uống nhiều nước để bù nước điện giải để tránh mấ nước
Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cần sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp theo cân nặng. Paracetamol thường được khuyến cáo với liều lượng 10-15mg/kg, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ, tối đa không quá 4 lần trong ngày. Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Vỗ lưng giúp trẻ bài tiết đờm
Một số trẻ khi bị viêm phổi ho có đờm, khiến con cảm thấy khó chịu. Bố mẹ có thể hỗ trợ vỗ lưng giữa 2 xương bả vai giúp trẻ long đờm, hô hấp dễ dàng hơn. Nên thực hiện vỗ lưng từ vùng phổi, sau đó di chuyển lên trên để dẫn lưu đờm di chuyển từ dưới lên họng.
- Hướng dẫn trẻ ho đúng cách
Ho là phản xạ tự nhiên giúp làm sạch đường thở và loại bỏ dịch tiết trong phổi. Đối với trẻ lớn bị viêm phổi, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ ho đúng cách để hỗ trợ làm thông thoáng đường hô hấp.
Cách hỗ trợ trẻ ho hiệu quả khi bị viêm phổi:
- Giúp trẻ ngồi thẳng, đầu hơi ngả nhẹ về phía trước;
- Hướng dẫn trẻ hít vào sâu, mở miệng và dùng cơ bụng để ho mạnh;
- Nhắc trẻ tránh ho ở cổ họng;
- Sau khi hít vào lần nữa, tiếp tục ho sâu và khạc đờm ra ngoài nếu có.
- Vệ sinh đường thở cho trẻ
Trẻ bị viêm phổi thường tích tụ dịch nhầy ở mũi và họng, gây khó chịu và cản trở hô hấp. Do đó, phụ huynh cần vệ sinh mũi và họng cho trẻ thường xuyên để giảm lượng dịch nhầy, giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mũi hoặc xịt mũi phù hợp để làm sạch, sau đó dùng khăn sạch thấm nhẹ vùng mũi và miệng. Việc vệ sinh đều đặn không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục.
Lưu ý đối với trường hợp trẻ còn quá nhỏ, bố mẹ nên tham khảo các loại dung dịch vệ sinh vùng mũi phù hợp với độ tuổi của con.
- Trẻ bị viêm phổi nên ăn gì?
Bên cạnh việc tuân thủ liều lượng thuốc và vệ sinh đúng cách cho trẻ, chế độ ăn uống cũng có thể là yếu tố giúp kiểm soát tình trạng viêm phổi ở trẻ. Đối với trẻ lớn, bố mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm sau vào thực đơn mỗi ngày của con:
- Thực phẩm giàu protein: Các loại hạt, đậu, cá giúp tăng cường hệ miễn dịch;
- Các loại rau lá xanh: Rau bina, xà lách chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng;
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch là những thực phẩm giàu carbohydrate, selen và vitamin B cung cấp năng lượng cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch;
- Gừng và mật ong (đối với trẻ trên 1 tuổi): Giàu tính kháng kháng khuẩn và chống viêm, giúp giảm bớt các triệu chứng của viêm phổi;
- Trái cây họ cam quýt: Các loại trái cây như cam, quýt, bưởi giàu chất chống oxy hóa, giúp cải thiện hệ miễn dịch của trẻ.
Bố mẹ nên cho trẻ ăn các món được nấu mềm, sệt để trẻ dễ tiêu hóa.
- 6. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Việc chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà đòi hỏi bố mẹ dành sự quan tâm, chú ý và tuân thủ đúng hướng dẫn y khoa để hỗ trợ trẻ hồi phục nhanh, hạn chế biến chứng. Khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà, bố mẹ cần lưu ý một số điểm quan trọng như:
- Cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian và số lần theo chỉ định. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, khó thở hoặc tình trạng không cải thiện sau 2 ngày điều trị, bố mẹ hãy liên hệ ngay với bác sĩ để trao đổi và có phương án xử trí phù hợp;
- Trẻ cần được nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, tránh khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc các yếu tố gây kích ứng. Đảm bảo giữ độ ẩm không khí vừa phải trong phòng và có thể hỗ trợ trẻ bằng cách vỗ lưng nhẹ để giúp long đờm, cải thiện hô hấp;
- Trẻ nên ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn trong ngày để hạn chế tình trạng nôn trớ. Đồng thời, khuyến khích trẻ uống nhiều nước để bù nước và làm loãng dịch nhầy, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn;
- Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, bố mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen đúng liều lượng theo cân nặng và hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm ho hoặc aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi vì có thể gây nguy hiểm;
- Đưa trẻ đi tái khám đúng lịch để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu tình trạng bệnh trở nặng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm như thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cơ thể tím tái, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị tích cực hơn.
Viêm phổi ở trẻ có thể biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Trong khi đó, áp dụng các cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lành bệnh và hồi phục sức khỏe của trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên trang bị các kiến thức, lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị viêm phổi để sẵn sàng xử trí trong mọi tình huống. Tuyệt đối không chủ quan khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi.
Trần Thị Ngọc Anh – Khoa Nội nhi tổng hợp
![]() |
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh.
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827.
Website: http://benhviensannhibacninh.vn