Chảy máu cam hay chảy máu mũi là một bệnh lý thuộc vùng tai mũi họng khá phổ biến ở trẻ em từ 2-10 tuổi, khi trẻ bị chảy máu cam nhiều bố mẹ rất bối rối và lo lắng, không biết xử lý tình trạng này sao cho an toàn, đúng cách. Nhằm giúp bố mẹ an tâm hơn khi chăm sóc con yêu, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý tình trạng chảy máu cam nhé!
Trẻ bị chảy máu cam là hiện tượng rất phổ biến
1. Nguyên nhân khi trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu cam là tình trạng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Trẻ bị chảy máu cam do một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Thời tiết khô hanh, sử dụng điều hòa trong thời gian dài khiến các mạch máu bị vỡ, từ đó gây nên hiện tượng chảy máu cam ở trẻ.
Ảnh: Bé bị chảy máu cam do thời tiết hanh khô
- Các nhiễm trùng gây viêm tại chỗ: viêm mũi, viêm xoang, viêm loét mũi,…
- Chấn thương vùng mặt, mũi: bị đánh vào mũi, tai nạn gây gãy xương cánh mũi, gãy vách ngăn mũi, vỡ xương hàm, gãy xương hàm trên, vỡ xoang trán,…
- Thói quen trẻ ngoáy mũi quá mạnh và quá sâu làm các mạch máu trong mũi bị tổn thương.
Ảnh: Trẻ có thói quen ngoáy mũi mạnh và sâ
- Dị vật rơi vào mũi gây tổn thương mũi.
- Các khối u trong mũi: u mạch máu dưới mũi, polyp mũi thể chảy máu, u xơ vòm họng, ung thư vòm họng,…
- Bị cảm lạnh, dị ứng, xì mũi liên tục với cường độ mạnh.
- Vách ngăn mũi có hiện tượng vẹo.
- Bị rối loạn đông máu kèm theo các bệnh cấp tính: cúm, sởi, thủy đậu, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét,…
- Bệnh về máu: xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, rối loạn chảy máu, giảm prothrombine, giãn mao mạch,…
- Thiếu vitamin C, K: vitamin C giúp cho độ bền của thành mạch, vitamin K tham gia vào quá trình đông máu. Nếu thiếu 2 vitamin này, cơ thể rất dễ gặp phải các tình trạng gây chảy máu, xuất huyết.
2. Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam
Khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ tuyệt đối không nhét bất cứ vật gì vào mũi trẻ, đồng thời làm theo hướng dẫn dưới đây để ngăn chặn tình trạng chảy máu, giúp giảm nguy cơ mất máu và các biến chứng nguy hiểm:
- Đầu tiên, bố mẹ cần xác định bên mũi chảy máu: Đây là việc đầu tiên bạn cần phải làm khi trẻ bị chảy máu cam. Máu thường chỉ nhỏ ra 1 bên nhưng trẻ khó chịu và sợ hãi nên thường dùng tay dụi dụi làm máu lem sang bên còn lại khiến mẹ khó xác định được bên nào chảy.
- Trấn an, động viên, an ủi cho trẻ không hoảng sợ
- Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, nghiêng đầu nhẹ về phía trước
- Bóp mũi: dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ khoảng 10 phút.
Ảnh: Quy trình xử lý khi trẻ bị chảy máu cam
- Thả tay ra sau 10 phút và chờ đợi, giữ im lặng. Nếu máu không ngừng chảy, lặp lại bước này.
- Sau bước sơ cứu, để trẻ nằm nghỉ một lúc. Nếu thấy máu vẫn chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng.
3. Khi có 1 trong các biểu hiện sau cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế
- Không cầm máu sau khi sơ cứu trong vòng 20 phút
- Chảy máu tái đi tái lại nhiều lần
- Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu
- Chảy máu do chấn thương
- Cảm thấy người trẻ yếu, trẻ thấy chóng mặt
- Máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi đã ngồi ngả đầu về phía trước.
- Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, thận, Hemophilia hoặc mới trả qua hóa trị liệu.
Nếu bố mẹ có thắc mắc khi trẻ hay bị chảy máu cam hoặc những vấn đề sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa Nhi giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh.
Địa chỉ: Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh, Đường Huyền Quang, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Hotline: 1900588827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn/.
Fanpage Bệnh viện: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh.
CN ĐD. Nguyễn Thị Thu – Khoa KSNK