Biếng ăn làm cho cơ thể trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng dẫn đến hậu quả bị suy dinh dưỡng hoặc có các biểu hiện thiếu hụt các vi chất như khô mắt, thiếu máu….
Biếng ăn là hiện tượng trẻ ăn ít hơn bình thường, ăn thức ăn chọn lọc, chỉ ăn vài loại thức ăn, có trẻ sợ ăn, từ chối hay nôn oẹ khi nhìn thấy thức ăn, bữa ăn kéo quá dài do trẻ không chịu nuốt thức ăn hoặc bỏ ăn do nhiều nguyên nhân gây ra. Biếng ăn làm cho cơ thể trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng dẫn đến hậu quả bị suy dinh dưỡng hoặc có các biểu hiện thiếu hụt các vi chất như khô mắt, thiếu máu….
Ảnh minh họa
Có trường hợp trẻ không thực sự biếng ăn mà do cảm giác lo lắng của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Do đó để đánh giá trẻ biếng ăn cần dựa vào các chỉ số sau: số lượng thức ăn trẻ ăn mỗi ngày ít hơn nhu cầu theo tuổi, trẻ thường táo bón, số lượng phân ít hơn bình thường, phát triển cân nặng của trẻ chậm hơn bình thường hoặc không tăng cân có khi còn giảm cân.
- Nguyên nhân biếng ăn của trẻ:
- Do trẻ đang mắc bệnh lý khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn như: ốm, sốt, viêm phổi, tiêu chảy, bại não, sâu răng, viêm loét họng,…
- Do vấn đề chăm sóc dinh dưỡng chưa hợp lý:
+ Thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, lysin, kẽm, kali,…
+ Còi xương
+ Thức ăn chế biến không hợp khẩu vị của trẻ
+ Ép trẻ ăn, áp đặt trẻ làm cho trẻ sợ ăn
+ Trẻ mải chơi, ăn uống không có giờ giấc
+ Khi trẻ ốm, cho trẻ uống thuốc lẫn thức ăn gây phản xạ sợ hãi khi ăn
+ Cho trẻ ăn vặt nhiều, uống nước ngọt trước khi ăn bữa chính
+ Trẻ chưa kịp thích nghi với chế độ ăn mới hoặc ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến ức chế bài tiết các men tiêu hoá gây chán ăn
+ Thay đổi giờ ăn, người cho ăn
+ Người lớn xung quanh trẻ có thói quen ăn không mẫu mực làm trẻ bắt chước
Ảnh minh họa
- Xử trí và phòng ngừa biếng ăn: tuỳ vào nguyên nhân cụ thể để có cách điều chỉnh phù hợp
- Đối với trẻ bị bệnh: trẻ thường rất mệt mỏi, chán ăn nên càng phải quan tâm hơn nữa tới chế độ ăn của trẻ. Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày; thức ăn cần chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hoá, giàu năng lượng, chất dinh dưỡng, thơm ngon hợp khẩu vị, cho trẻ ăn những món trẻ thích. Cần kiên nhẫn, dỗ dành trẻ ăn, nếu trẻ ăn ít mẹ cũng đừng quá lo lắng vì trẻ sẽ ăn bù khi khỏi bệnh. Điều cần nhất là phải cho trẻ uống đủ nước, nên uống các loại nước quả có đường như: nước cam, nước chanh, nước dừa,…. hoặc sữa. Cần cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất trong giai đoạn này
Ảnh minh họa
- Đối với các trường hợp khác:
Biếng ăn do tâm lý:
Nếu trẻ mang tâm lý sợ ăn, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần điều chỉnh tâm lý lo lắng của chính mình trước. Vì tâm lý sợ ăn của trẻ hầu như là hệ quả của việc bị ba mẹ ép ăn, dọa nạt.
- Nếu trẻ có phản ứng sợ khi nhìn thấy thức ăn, bố mẹ cần phải “cắt” phản ứng đó bằng cách giúp trẻ nhận ra ăn uống là một việc rất vui vẻ và hoàn toàn không hề có áp lực nào.
- Để trẻ có tâm lý thoải mái hơn khi ăn, bố mẹ nên động viên, khuyến khích bằng cách khen thức ăn ngon, vui đùa với trẻ và khen trẻ ăn uống rất giỏi.
- Rất nhiều bố mẹ vì căng thẳng mỗi khi cho con ăn nên muốn trẻ ăn riêng trước hoặc sau bữa cơm của cả nhà. Trong khi đó, việc được ăn cùng mâm cơm với gia đình trong không khí vui vẻ sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Ảnh minh họa
Biếng ăn do chăm sóc dinh dưỡng:
+ Trong năm tuổi đầu tiên, tập cho trẻ ăn đa dạng thức ăn theo từng tháng tuổi
+ Kiểm tra món ăn có hợp khẩu vị của trẻ hay không và thay đổi cho phù hợp. + Khi thay đổi món ăn cho trẻ, cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa món ăn mới và món ăn cũ.
+ Cho trẻ ăn đủ bữa, đúng giờ.
+ Trong bữa ăn không cho trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc vừa ăn vừa xem tivi, dùng ipad, điện thoại….
+ Không nhồi nhét, ép buộc trẻ ăn.
+ Không cho trẻ uống hoặc ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì các thức ăn này tạo cảm giác “no giả” làm trẻ chán bữa ăn chính.
+ Không để trẻ đói lả mới cho ăn vì trẻ sẽ mệt mỏi và lại càng không muốn ăn.
Tô Thảo – Phòng Điều dưỡng