- Thoát vị bẹn ở trẻ em là gì?
Thoát vị bẹn ở trẻ em là thoát vị bẹn gián tiếp, đây là bệnh lý của ống phúc tinh mạc, do hậu quả của thất bại trong quá trình đóng kín của ống phúc tinh mạc.
Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra, thì ống này đóng lại, nếu ống này không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ trai và thoát vị ống nuck ở trẻ gái.
- Tỉ lệ mắc thoát vị bẹn ở trẻ?
Bệnh chiếm 0,8-4,4% bệnh lý ở trẻ em. Ở trẻ sinh non tần suất còn cao hơn, đến 30% tùy theo tuổi thai (trung bình 16-25% ở trẻ sơ sinh).
Lúc mới sinh khoảng 80% ống phúc tinh mạch chưa bít và tỉ lệ này giảm nhanh trong 6 tháng đầu tiền sau sinh.
- Giới tính thường gặp?
Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng bé trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, với tỉ lệ nam/nữ được báo cáo khoảng 1/1-10/1.
- Bệnh lý này có ở một bên hay hai bên bẹn?
Khoảng 60% thoát vị ở bên phải cho cả 2 giới nam và nữ. Ở bé trai có thể do việc tinh hoàn phải xuống chậm hơn bên trái nhưng điều này không giải thích được ở trẻ gái. Thoát vị 2 bên chiếm khoảng 10% trường hợp.
- Thoát vị bẹn có di truyền không?
Khoảng 11.5% trẻ có tiền sử gia đình có người mắc bệnh. Tỉ lệ cũng tăng ở những cặp sinh đôi (cả 2 trẻ cùng bị bệnh)
- Bệnh có thể tự hết không? Những biến chứng có thể xảy ra?
– Thoát vị bẹn ở trẻ con là bệnh lý bẩm sinh, không tự hết. Nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt dẫn đến các hậu quả sau: Ruột, buồng trứng (ở trẻ gái) trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng nếu không được mổ kịp thời.
– Tổn thương tinh hoàn: mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt.
- Cách phát hiện bệnh?
Bệnh sử điển hình là khối phồng lên xuống từng lúc ở vùng bẹn bìu (ở trẻ nam) hoặc bẹn môi lớn (ở trẻ nữ), thường được quan sát rõ nhất khi tăng áp lực ổ bụng như: ho, khóc, rặn,… Đôi khi khó phân biệt khối thoát vị với hạch vùng bẹn, tinh hoàn không xuống nhiều khi gặp khó khăn vì vậy bố mẹ cần đưa trẻ đi khám khi có khối bất thường ở vùng bẹn của trẻ.
- Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
Cho đến này phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để điều trị bệnh lý này. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật mổ mở kinh điển hoặc phẫu thuật nội soi 1 lỗ, 2 lỗ hoặc 3 lỗ.
- Thời điểm phẫu thuật? Sẹo mổ có to, thời gian lành bệnh?
Hầu hết phẫu thuật viên đề nghị nên phẫu thuật sớm sau khi có chẩn đoán thoát vị bẹn để giảm thiểu biến chứng của thoát vị bẹn, đối với trẻ đẻ non nên mổ khi cân nặng khoảng 2kg. Đường mổ nhỏ khoảng 3-4cm ở vùng nếp gấp bẹn, rất khó thấy và đảm bảo tính thẩm mỹ. Thông thường vết mổ sẽ lành sau 7 ngày.
- Tràn dịch màng tinh hoàn
– Tràn dịch màng tinh hoàn hay dái nước cũng là một dạng giống thoát vị bẹn, nhưng thay vì các tạng chui xuống ống phúc tinh mạc thì ở đây chỉ là nước. Bệnh có thể tự khỏi khi trẻ được 12-18 tháng nên không cần điều trị trong giai đoạn này. Sau hai tuổi, nếu bìu vẫn còn nước thì có chỉ định mổ và cách thức mổ cũng như thoát vị bẹn.
- Điều trị bệnh ở đâu?
Hầu hết các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật Nhi đều có thể phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em. Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh chúng tôi phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em là phẫu thuật thường quy với thời gian phẫu thuật ngắn, đặc biệt tại bệnh viện đang triển khai phẫu thuật nội soi 1 lỗ điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em.
Đặng Thế Quỳnh – Khoa Ngoại nhi