Thời tiết nắng nóng khiến rôm sảy xuất hiện ở các vùng da như trán, cổ, ngực, lưng, và có khi là toàn thân làm bé khó chịu. Dưới đây là những điều cha mẹ cần biết về cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ giúp bé yêu có làn da khỏe mạnh.
- Rôm sảy là bệnh gì?
Rôm sảy còn được gọi là phát ban nhiệt, là tình trạng đổ nhiều mồ hôi nhưng ống mồ hôi bị bít tắc, gây ứ đọng mồ hôi gây nên các nốt mụn nhỏ li ti màu hồng trên da. Rôm sảy là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Đa phần rôm là lành tính và sẽ tự hết khi tiết trời mát dịu.
Tuy vậy, cha mẹ cũng không nên chủ quan, vì khi trẻ gãi nhiều do rôm sảy sẽ làm trầy xước, có thể dẫn đến bội nhiễm và các biến chứng khác… Do đó, cha mẹ cần chủ động phòng tránh rôm sảy cho bé.
- Biểu hiện khi trẻ bị rôm sảy
Rôm sảy thường xuất hiện thành từng đám hoặc mảng lớn ở những vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như cổ, ngực, lưng, trán…, hoặc ở những vùng kẽ lớn như nách, bẹn, trường hợp nặng có thể gần như toàn thân. Rôm sảy là các sẩn màu đỏ hồng, trên bề mặt có mụn nước nhỏ, hoặc mụn mủ trắng xen kẽ.
Khi bị rôm sảy, da của trẻ bị viêm nên trẻ có cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu, trẻ gãi làm da bị xây xát, dễ dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Ngứa khiến trẻ ngủ không ngon, trẻ nhỏ hay quấy khóc. Vì vậy, cần phải phòng tránh rôm sảy cho bé để trẻ ngủ ngon giấc.
Rôm sảy ở trẻ có thể tự hết khi trời mát như khi gặp nóng bức trở lại, rôm sảy có thể tái phát ngay.
- Bé bị rôm sảy phải xử lý như thế nào?
Nguyên tắc phòng tránh rôm sảy cho bé là làm sao để cơ thể của bé mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra nhiều, chống viêm da. Dưới đây là những cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ vào mùa hè mà cha mẹ có thể chủ động thực hiện:
- Nơi ở của trẻ phải thoáng mát, thông gió, tránh đưa trẻ đến những nơi đông đúc, ngột ngạt, nóng, bí gió.
- Quần áo, tã lót của trẻ nên dùng loại vải sợi, mỏng, rộng rãi, thoáng mát và thấm mồ hôi. Không nên dùng các loại vải sợi tổng hợp, bí, không thấm hút mồ hôi. Khi cơ thể trẻ không bị nóng sẽ hạn chế tiết mồ hôi, do đó rôm sảy có thể nhanh chóng biến mất.
- Tắm rửa cho trẻ thường xuyên giúp cơ thể mát, làm sạch da, thông thoáng các lỗ chân lông. Có thể sử dụng thuốc tím pha loãng, sữa tắm để tắm cho trẻ. Không nên sử dụng các loại xà phòng hoặc sữa tắm có độ pH không phù hợp với làn da của bé. Một số loại lá, quả dùng để nấu nước tắm có tác dụng hỗ trợ phòng tránh rôm sảy cho bénhư mướp đắng, trầu không, rau má, sài đất, lá dâu, nước chanh… tắm rửa cho trẻ thường xuyên giúp cơ thể mát, làm sạch da
- Nếu da bị viêm nhiều và trẻ bị rôm sảy lâu khỏi, cần được đưa đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng loại thuốc dùng. Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn nang lông với các biểu hiện như có mụn mủ, mụn to thì cần bôi cồn iod (ví dụ như betadin) nhiều lần trong ngày.
- Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước ép trái cây, nước sắn dây, nước đỗ đen, nước cam, nước chanh… Hạn chế cho bé uống các loại nước có nhiều đường.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung đủ vitamin qua rau xanh, trái cây cho bé.
- Cho bé nằm phòng thoáng mát, có điều hòa. Không cho trẻ ra ngoài trời nắng vì sẽ làm tình trạng rôm sảy thêm nặng nề.
Trên đây là những lời khuyên giúp cha mẹ phòng tránh rôm sảy cho bé để bé có thể ăn ngon, ngủ ngon, không khó chịu vì ngứa do rôm sảy gây ra. Mọi băn khoăn, thắc mắc bố mẹ có thể gọi đến tổng đài 1900.588.527 để được các bác sĩ chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh tư vấn, hỗ trợ.
Ths YTCC Hồng Châu – Phòng Kế hoạch tổng hợp