Quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên là trường hợp người bệnh khi đi khám, chữa bệnh phải bỏ số tiền cùng chi trả khi thanh toán BHYT lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh tổng hợp mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán lại số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả khi đi khám, chữa bệnh trong năm đó.
Điều kiện được hưởng BHYT 5 năm liên tục
Theo các quy định hiện hành, điều kiện để người bệnh được hưởng BHYT 5 năm liên tục bao gồm:
– Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên (dòng chữ này được in trên thẻ bảo hiểm);
– Có số tiền cùng chi trả thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương ứng với 8.940.000 đồng). Tuy nhiên kể từ ngày 01/07/2023 khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cở sở lên 1.800.000 đồng, thì số tiền tương ứng là 10.800.000 đồng.
(Số tiền cùng chi trả/chi phí đồng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng của loại thẻ BHYT. Ví dụ: Thẻ BHYT có mức hưởng 80% thì người bệnh phải đồng chi trả 20% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT).
– Những bệnh nhân đi khám, chữa bệnh đúng tuyến bảo hiểm mới được hưởng quyền lợi này.
Thủ tục, hồ sơ hưởng BHYT 5 năm liên tục
Người có đủ điều kiện được thanh toán quyền lợi BHYT 5 năm liên tục nộp cho cơ quan BHXH các giấy tờ sau để được giải quyết chế độ:
– Thẻ BHYT có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày/tháng/năm” và Giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao).
– Hóa đơn thanh toán viện phí do cơ sở khám, chữa bệnh cấp (bản chính) và kèm theo bảng kê chi tiết chi phí KCB nội trú, ngoại trú.
Đức Ngọc – Phòng TCKT