Ngày nay, số trẻ em mắc bệnh tự kỉ ngày càng tăng lên (cứ 1.000 trẻ thì có 2 – 5 trẻ bị tự kỷ), điều này khiến các bố mẹ cảm thấy lo lắng. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị, chăm sóc cho trẻ tự kỷ
I. TỰ KỶ LÀ GÌ?
Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa mức độ từ nhẹ đến nặng, khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ là những khiếm khuyết ở 3 lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi, sở thích thu hẹp và rập khuôn. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác và tăng hoạt động. Tỉ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Trẻ trai bị tự kỷ nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.
Việc tầm soát tự kỷ có thể giúp phát hiện sớm ở trẻ nhỏ từ 18 tháng tuổi dựa vào công cụ M CHAT với các câu hỏi then chốt dưới đây:
- Trẻ có đáp ứng với tên gọi không?
- Trẻ thích chơi một mình hay với các bạn khác?
- Trẻ có dùng ngón trỏ để chỉ cho bạn thấy điều gì không? Trẻ có đem một món đồ chơi để cho bạn xem không?
- Trẻ trên 18 tháng tuổi có biết chơi giả bộ không?
- Những dấu hiệu báo động là:
- Không bập bẹ lúc 9 tháng tuổi
- Không có cử điệu lúc 12 tháng tuổi
- Không nói từ đơn lúc 16 tháng tuổi
- Không nói cụm 2 từ lúc 24 tháng tuổi
- Mất ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở bất ký lứa tuổi nào
II. CÁC BIỂU HIỆN CỦA TRẺ TỰ KỶ
A. Có ít nhất 6 dấu hiệu trong các phần (1), (2) và (3), trong đó có ít nhất 2 mục từ phần (1) và 1 mục từ phần (2) và (3):
(1) Khiếm khuyết về chất lượng trong quan hệ xã hội, được biểu hiện bằng ít nhất 2 trong các triệu chứng sau đây:
a) Khiếm khuyết rõ rệt trong việc sử dụng nhiều hành vi không lời như giao tiếp bằng mắt, biểu lộ qua nét mặt, tư thế cơ thể và các cử chỉ.
b) Thất bại, hoặc kém trong việc phát triển các mối quan hệ bạn bè phù hợp với mức phát triển.
c) Thiếu sự tìm kiếm tự động nhằm chia sẻ vui thích, các mối quan tâm và kết quả đạt được với người khác.
d) Thiếu sự trao đổi qua lại về xã hội hoặc cảm xúc.
(2) Các suy kém về chất lượng trong giao tiếp được biểu hiện bằng ít nhất 1 trong những triệu chứng sau đây:
a) Chậm trễ hoặc thiếu vắng hoàn toàn sự phát triển về ngôn ngữ nói.
b) Ở những bé có ngôn ngữ đầy đủ thì tiêu chuẩn là suy kém rõ rệt về khả năng khởi đầu hay duy trì một đối thoại với người khác
c) Sử dụng ngôn ngữ theo cách định hình, lặp đi lặp lại, ngôn ngữ kỳ lạ.
d) Thiếu vắng trò chơi tưởng tượng phù hợp với mức phát triển của trẻ.
(3) Các kiểu hành vi, ham thích, các hoạt động lặp đi lặp lại giới hạn và định hình được biểu hiện bằng ít nhất 1 trong những triệu chứng sau đây:
a) Bận tâm bao quanh một hoặc các kiểu vui thích giới hạn và định hình bất thường về cường độ hoặc mức tập trung.
b) Bám dính một cách cứng nhắc rõ rệt đối với các thói quen hoặc các nghi thức hằng ngày đặc biệt, không có chức năng.
c) Các cách thức vận động định hình và lặp đi lặp lại
d) Bận tâm thường xuyên với các phần của vật thể
Sự phát triển chậm trễ hoặc bất thường trong ít nhất 1 trong các lĩnh vực trên, khởi phát trước 3 tuổi:
Bệnh cảnh này không giải thích được rối loạn Rett hay rối loạn phân rã ở trẻ em.
III. ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC
Hiện nay không có một phương pháp nào phù hợp cho tất cả trẻ tự kỷ. Thường có sự kết hợp của những phương pháp khác nhau. Cần nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ, tạo môi trường sống thích hợp. Trị liệu tâm lý dựa vào học thuyết nhận thức và hành vi, sử dụng phương tiện nhìn.
Cần sự phối hợp của gia đình, bác sỹ, tâm lý, giáo viên, cán bộ dạy ngôn ngữ, phục hồi chức năng trong khoảng thời gian càng sớm càng tốt nhất là khi trẻ 2 – 4 tuổi.
Phòng khám Tâm bệnh – BV Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh
Các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ nhỏ:
- Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA) dạy trẻ 40 giờ/tuần trong 2 năm liên tục: dựa vào 3 thành phần: tiền đề -> hành vi ->kết quả; để dạy trẻ các hoạt động, phát triển ngôn ngữ và tương tác với bạn.
- Phương pháp trị liệu và giáo dục cho trẻ có khó khăn về giao tiếp TEACCH: đánh giá, kế hoạch giáo dục cá nhân, đào tạo kỹ năng xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, hướng dẫn phụ huynh, tư vấn nhà trường.
- Hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh (PECS): sử dụng tranh, biểu tượng để làm lịch trình hoạt động, trẻ thể hiện nhu cầu, chọn lựa, dạy các bước của công việc.
- Trị liệu ngôn ngữ: dạy cử chỉ giao tiếp, dạy nói, dạy cách thể hiện và giao tiếp xã hội.
- Hoạt động trị liệu: vận động tinh và thô, trò chơi
- Điều hòa đa giác quan: âm nhạc, ánh sáng, mát xa, thủy trị liệu… tác động tới các giác quan.
- Dạy các kỹ năng tự phục vụ để trẻ tự lập sinh hoạt.
Đối với trẻ lớn tùy theo mức độ tự kỷ và trí tuệ mà cho:
- Học hòa nhập
- Học lớp chuyên biệt trong trường bình thường
- Học ở trung tâm dành cho trẻ có khuyết tật
- Điều trị thuốc: Tự kỷ là bệnh lý suốt đời, có 1 số thuốc điều trị triệu chứng kèm theo:
- Làm giảm tăng động, cơn hờn giận, hung tính, tự gây thương tích, hành vi định hình, lo âu, rối loạn ám ảnh nghi thức: Risperidon, olanzapin, quetiapin…
- Thuốc kích thần (Methylphenidat), clonidin, thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc Serotonin (SSRI), thuốc giải lo âu hiệu quả khi có triệu chứng tăng động, cáu kỉnh, trầm cảm, ám ảnh nghi thức, lo âu đi kèm.
- Thuốc chống động kinh có hiệu quả với các triệu chứng về hành vi, cảm xúc hoặc khi có động kinh đi kèm.
Điều trị hỗ trợ
- Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline, ….
- Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức…
- Dinh dưỡng: bổ sung dinh dưỡng, vitamine nhóm B và khoáng chất, chế độ ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch…
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Tái khám 1-3 tháng 1 lần đánh giá tiến triển, rối loạn kèm theo, làm lại test CARS, Raven hoặc Denver, CBCL (nếu trẻ có rối loạn hành vi đi kèm)…
Với mong muốn chăm sóc tốt hơn sức khỏe tinh thần cho trẻ em, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh chính thức đưa Phòng khám Tâm bệnh thuộc Khoa Nội nhi tổng hợp đi vào hoạt động với các dịch vụ thăm khám, phát hiện, điều trị tự kỷ bằng các phương pháp tâm lý, âm nhạc, thiền, yoga…
Nếu có nhu cầu thăm khám với các bác sĩ tại Phòng khám Tâm bệnh, Khách hàng vui lòng đặt lịch với Bệnh viện để được phục vụ hoặc gọi vào số hotline 1900 588 527.
BSCKII. Nguyễn Văn Thắng – Phòng Kế hoạch tổng hợp