Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng I, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng việc triển khai các kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân tiếp cận được những dịch vụ y tế cao cấp ngay tại tỉnh nhà.
- Sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh
Bên cạnh việc lấy máu gót chân sàng lọc một số bệnh lý như: thiểu sản tuyến thượng thận, thiếu men G6DP, suy giáp bẩm sinh…Bệnh viện còn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai sàng lọc thính lực bằng phương pháp: “Ghi đáp ứng thính giác thân não (ABR) tự động”. Đây là kĩ thuật mới có nhiều ưu điểm hơn so với sàng lọc thính lực bằng phương pháp: “Đo âm ốc tai (OAE)”
- Giúp sàng lọc thính giác
- Phát hiện các tổn thương sau ốc tai (dây thần kinh thính giác và não bộ)
- Được khuyến cáo dùng để sàng lọc thính giác cho trẻ nằm ở hồi sức sơ sinh
- Khiếm thính có phải là điếc không?
Trên thực tế nhiều người lầm tưởng khiếm tính là điếc, là không nghe được gì, nhưng thực tế không phải như vậy. Dựa vào sức nghe, khiếm thính được chia làm 4 mức độ: nhẹ, vừa, nặng, và rất nặng.
Biểu hiện của những mức độ này cũng hết sức phong phú, đôi khi khá khó để phát hiện ra:
- Trẻ chậm nói hoặc nói ngọng
- Trẻ có vốn từ vựng ít, hoặc số lượng tăng vốn từ vựng ít theo thời gian
- Thường nghe TV/ đài với âm lượng to hơn bình thường
- Mất tập trung, tăng động
- Gặp khó khăn trong giao tiếp:
- Khả năng hiểu lời kém
- Thường phải hỏi lại
- Thường nhìn miệng người đối diện khi nói chuyện
- Nói to hoặc la hét to
- Hậu quả của khiếm thính là gì?
Khiếm thính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, đến khả năng giao tiếp, tùy thuộc vào mức độ nghe kém mà trẻ có thể chậm nói hoặc nói ngọng, từ đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý xã hội của trẻ: hay tự ti, cáu gắt.
Chúng ta đều hiểu, phải nghe rồi mới có thể nói, không nghe được thì sẽ không nói được. Nhưng không phải ai cũng biết khi vùng não “phụ trách” phần ngôn ngữ không được kích thích bằng âm thanh, lâu dần sẽ không phát triển, khi đó ngay cả khi chúng ta có can thiệp để trẻ nghe lại được, nhưng chưa chắc trẻ có thể phát triển ngôn ngữ như một trẻ bình thường. Phát hiện và can thiệp càng muộn thì kết quả đạt được càng kém.
- Tầm quan trọng của việc sàng lọc thính lực cho trẻ.
Đối với những trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện và điều trị sớm thì trẻ sẽ phát triển một cách bình thường. Chính vì thế tất cả các trẻ sơ sinh, đặc biệt những trẻ nằm hồi sức sơ sinh hoặc những trẻ có các yếu tố nguy cơ cần được sàng lọc khiếm thính, để có thể phát hiện bệnh và can thiệp sớm.
Các yếu tố nguy cơ
- Mẹ mắc các bệnh lý khi mang thai: rubella, giang mai, hepes …
- Trẻ đẻ non, nhẹ cân
- Hội chứng liên quan đến nghe kém: alport, down, usher …
- Trẻ mắc các bệnh lý sơ sinh như: vàng da, viêm màng não, suy hô hấp….
- Dùng các loại thuốc độc cho tai: streptomycin, gentamycin, amikacin ….
- Hóa trị
- Trẻ có các dị tật vùng mặt, đầu, tai
- Gia đình có người bị nghe kém
- Quy trình thực hiện sàng lọc khiếm thính tại bệnh viện
Thai nhi trưởng thành trong bụng mẹ đã có thể nghe giọng nói của mẹ và âm thanh của cuộc sống quanh mẹ. Ngay khi ra đời bé đã có phản ứng với âm thanh bên ngoài, và ta có thể khảo sát được sức nghe của bé. Tuy nhiên, việc sàng lọc thường được thực hiện sau sinh 24 đến 48 giờ để tránh bị ảnh hưởng bởi dịch ối và chất gây trong ống tai của bé.
Các bé không vượt qua được nghiệm pháp sàng lọc lần đầu, cần thiết được sàng lọc lần 2 và thậm chí lần 3, vào thời điểm 1 tháng tuổi và 2 tháng tuổi.
- Sau khi được phát hiện khiếm thính bẩm sinh, trẻ sẽ được điều trị như thế nào?
Dựa vào kết quả đo thính lực các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cho từng trường hợp, phụ thuộc vào kết quả và mức độ bệnh lý.
- Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đang triển khai sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng I, việc triển khai các kĩ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh luôn là mục tiêu cố gắng của toàn bệnh viện nhằm giúp bệnh nhân được tiếp cận những dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại tỉnh nhà. Bệnh viện đã và đang triển khai khám sàng lọc tiền hôn nhân, tiền thai, tiền sản, và sơ sinh.
Mục tiêu là tất cả các bé sinh ra tại Bệnh viện đều được sàng lọc khiếm thính, và bệnh viện cũng tiếp nhận các bé không sinh ra tại Bệnh viện nhưng có nhu cầu sàng lọc khiếm thính.
Hy vọng tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc khiếm thính sớm sẽ nhanh chóng tăng cao trên địa bàn tỉnh, giúp cho các bé chẳng may bị tật khiếm thính bẩm sinh có cơ hội điều trị sớm để phát triển tốt và hòa nhập tốt với cộng đồng như những bạn đồng trang lứa và không là gánh nặng cho gia đình.
Ghi đáp ứng thính giác thân não (ABR) tự động
BS. Nghiêm Đình Quân – Thăm dò chức năng