Tắm nắng cho trẻ có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, giúp cho cơ thể trẻ tổng hợp được lượng vitamin D cần thiết. Tuy việc tắm nắng mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải ai cũng biết cách tắm nắng đúng cách để đạt hiệu quả tối ưu..
- Tác dụng của việc tắm nắng cho trẻ
Việc tắm nắng cho bất kỳ độ tuổi nào đều mang lại những lợi ích cho cơ thể. Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ít khi được tiếp xúc với môi trường có nắng thì việc tắm nắng rất cần thiết. Một số lợi ích có thể kể đến của việc tắm nắng như:
- Tổng hợp lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể
Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong việc hấp thụ canxi của cơ thể, giúp trẻ có hệ xương chắc khỏe. Trong ánh nắng mặt trời có những loại tia không nhìn được bằng mắt thường là tia UV, trong đó tia UVB có chức năng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tắm nắng là biện pháp giúp da tiếp xúc trực tiếp với tia UV, dưới tác động của tia UV cơ thể của chúng ta có thể tự tổng hợp vitamin D.
- Cải thiện tình trạng vàng da ở trẻ
Vàng da ở trẻ sơ sinh thường là một biểu hiện sinh lý bình thường do sự thay đổi loại Hemoglobin trong máu của thai nhi sau khi được sinh ra. Cho bé tắm nắng sẽ giúp cải thiện tình trạng vàng da ở mức độ nhẹ và ngăn ngừa vàng da diễn biến nặng. Do ánh sáng xanh của mặt trời rất hiệu quả trong việc làm giảm nồng độ Bilirubin tích tụ trong lớp mỡ dưới da trong cơ thể trẻ, đây là nguyên nhân chính gây vàng da.
- Tăng nồng độ hormone serotonin
Nồng độ serotonin trong máu thấp có thể làm phát sinh các vấn đề liên quan tới cảm xúc như tức giận, trầm cảm… Bên cạnh đó, serotonin cũng giúp điều chỉnh giấc ngủ và quá trình tiêu hóa.
Do vậy nếu trẻ thường xuyên cau có hay gặp các vấn đề về giấc ngủ nên cho bé tắm nắng thường xuyên nhé.
- Cách cho bé tắm nắng đúng cách
Tắm nắng mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải ai cũng biết cách tắm nắng đúng cách để đạt hiệu quả tối ưu. Dưới đây là cách cho bé tắm nắng đúng cách:
- Em bé sau sinh 1 đến 2 tuần đã có thể bắt đầu tắm nắng mỗi ngày. Thời gian phơi nắng cho trẻ sơ sinh lý tưởng nhất là khoảng 6 đến 9 giờ sáng bởi đây là lúc ánh nắng dịu nhẹ. Tuy nhiên, thời gian phơi nắng tùy thuộc vào vị trí địa lý và các mùa trong năm.
- Ban đầu chỉ nên cho trẻ phơi nắng không quá 10 phút, sau đó tăng dần lên. Tuy nhiên, cả trẻ sơ sinh lẫn trẻ nhỏ đều không được tắm nắng quá 20 phút một lần.
- Nơi tắm nắng cho trẻ cần yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, trong lành, tránh gió lùa và khói bụi.
- Hạn chế để ánh nắng chiếu thẳng trước mặt, vào mắt hoặc đầu của bé vì có nguy cơ ảnh hưởng đến não.
- Tia nắng mặt trời phải chiếu trực tiếp lên da của bé thì mới phát huy tác dụng, do đó nên cởi bỏ quần áo cho bé khi tắm và không phơi nắng qua cửa kính.
- Để nắng chiếu lên hai chân, sau đó từ từ cho bé nhận ánh nắng từ phía sau lưng.
- Khi bé bị ốm hoặc khi trời lạnh nên ngừng tắm nắng, nếu vẫn muốn tiếp tục cần phải cho bé mặc kín, chỉ để lộ phần bắp chân, đùi và cánh tay.
- Lau khô mồ hôi và cho bé uống một chút nước bổ sung sau khi tắm nắng.
Nếu sau khi tắm nắng bé bị nổi mẩn trên da hay có bất kỳ dấu hiệu khác thường thì nên ngừng tắm nắng và theo dõi trẻ. Nếu thấy không thuyên giảm thì nên đưa khám để biết trẻ gặp phải vấn đề gì nhé.
Trên thực tế, không có quy định nào giới hạn về độ tuổi phơi nắng cho trẻ bởi việc tổng hợp vitamin D vẫn luôn cần thiết. Chính vì thế, nếu bạn có thời gian thì vẫn nên cho trẻ phơi nắng thường xuyên và đều đặn tới khi trẻ được 3 đến 4 tuổi bởi đây là thời điểm bé đã đi nhà trẻ và cũng thường xuyên được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhờ những hoạt động ngoại khóa hay trên đường từ nhà tới trường.
Ths.YTCC Phạm Thị Hồng Châu