Trong thời gian tới, với điều kiện khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết…
Từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021 khoa Bệnh nhiệt đới – tiêu hóa cũng đã tiếp nhận và điều trị hơn 1000 trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp tập trung nhiều vào tháng 7 – tháng 10, trong đó khoảng 50% trẻ tiêu chảy là do Rotavirus. Bệnh này thường gặp ở trẻ 6 tháng đến 24 tháng tuổi, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa (phân – miệng). Rotavirus gây viêm dạ dày ruột rất đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của các triệu chứng tiêu chảy phân nước, sốt và nôn. Triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2-3 ngày và kéo dài khoảng 5-7 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến tiêu chảy mất nước nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Nôn và đi ngoài phân tóe nước là 2 đặc điểm lâm sàng thường gặp trong viêm dạ dày ruột cấp do rotavirus mà ít thấy trong các căn nguyên khác. Thông thường trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng nôn và sốt sau đó là tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày. Phân thường không có nhày máu. Hầu hết những trẻ phải nhập viện vì tiêu chảy do rotavirus có cả 3 triệu chứng tiêu chảy, nôn và sốt.
Ảnh minh họa
Khi nào trẻ tiêu chảy cấp cần cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế
- Đi ngoài nhiều lần phân lỏng
- Nôn tái diễn hoặc nôn ra mật
- Trẻ rất khát
- Trẻ không uống được
- Trẻ bú kém hoặc bỏ bú
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị
Những sai lầm thường gặp của các bà mẹ khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
- Trẻ bị tiêu chảy nên ăn kiêng, chỉ cho ăn cháo trắng
Bộ y tế khuyến cáo rằng khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ nên được tiếp tục và tăng dần lên. Không được hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn. Nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ thường xuyên. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tiếp tục tăng trưởng, hồi phục nhanh cân nặng và chức năng đường ruột, gồm khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Khuyến khích trẻ ăn nhiều như trẻ muốn, cách nhau 3-4 giờ (6 bữa/ ngày). Cho ăn thường xuyên với lượng nhỏ thì tốt hơn vì thức ăn dễ hấp thu hơn so với ăn ít bữa, số lượng nhiều.
- Không cho trẻ uống nước vì sợ trẻ nôn và đi ỉa phân lỏng hơn
Khi trẻ bị tiêu chảy, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước và điện giải lớn qua phân và chất nôn gây nên tình trạng mất nước và rối loạn điện giải. Chính vì vậy các bà mẹ nên từ bỏ quan niệm này mà hãy tích cực cho bé uống nước nhiều hơn bình thường để phòng mất nước và rối loạn điện giải.
Các loại dung dịch có thể dùng là ORS, nước cháo, nước cơm, súp, nước sạch, nước dừa, nước hoa quả…
Cách cho trẻ uống ORS: cho trẻ uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc thìa. Nếu trẻ nôn, chờ 10 phút, sau đó tiếp tục cho trẻ uống chậm hơn. Tiếp tục cho trẻ bú bất kỳ khi nào trẻ muốn.
- Cho trẻ uống thuốc cầm nôn, cầm ỉa
Đây là một quan điểm sai lầm nghiêm trọng mà rất nhiều bà mẹ mắc phải. Khi cho trẻ uống thuốc cầm nôn, cầm ỉa sẽ làm tình trạng mất nước, rối loạn điện giải trầm trọng hơn và làm bệnh tiêu chảy cấp nặng hơn. Chính vì vậy, các bà mẹ hãy từ bỏ quan niệm này và tích cực cho trẻ uống nhiều nước (đặc biệt là ORS) để bù nước và điện giải cho trẻ.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus các bà mẹ phải làm như thế nào?
- Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, do đó nếu trẻ bị bệnh nên cho nghỉ học, tránh tập trung nơi đông người cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho trẻ khác. Đồng thời không cho trẻ chơi cùng những trẻ đang nghi ngờ mắc bệnh tiêu chảy.
- Giữ vệ sinh tay: tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, người chăm sóc trẻ cần rửa tay khi tiếp xúc với trẻ, cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi cho trẻ đi vệ sinh.
- Không để trẻ bò lê la trên sàn, ngậm tay hoặc ngậm đò chơi.
- Lau rửa sàn nhà, vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn, lau rửa tolet, bồn cầu khi trẻ bị tiêu chảy đi vệ sinh.
- Tã lót, chất nôn của trẻ cần được cho vào bao nilon, buộc chặt kín rồi cho vào thùng rác.
- Cho trẻ uống vaccine phòng tiêu chảy do Rotavirrus. Phác đồ uống ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gồm 2 liều hoặc 3 liều tùy theo loại vaccin, mỗi lần cách nhau ít nhất 4 tuần. Trẻ có thể bắt đầu uống ngừa vắc-xin ngừa virus Rota ngay từ 6 tuần tuổi. Cha mẹ cần lưu ý hoàn tất lịch uống càng sớm càng tốt trước 6 tháng tuổi để có đầy đủ miễn dịch bước vào giai đoạn có nguy cơ cao nhiễm virus Rota từ 6 tháng đến 2 tuổi.
BSCKII. Phạm Thị Thanh Hương