Chiều ngày 16/8/2022 Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức buổi tập huấn Hướng dẫn điều tra, giám sát viêm phổi nặng do vi rút, bệnh đậu mùa khỉ và giám sát dựa vào sự kiện (EBS) và Quyết định 2171/2022/QĐ-BYT ngày 5/8/2022 về hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong cơ sở KCB cho nhân viên y tế bệnh viện.
Tính đến tháng 8/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.
Tại Việt Nam, đến ngày 24/7/2022 chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tuy nhiên theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Ngày 16/8/2022 với sự tham gia của hơn 300 nhân viên y tế, Bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Thanh Hiếu –Phòng Kế hoạch tổng hợp và Thạc sĩ Lê Nho Khuê – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã tập huấn về Hướng dẫn điều tra, giám sát viêm phổi nặng do vi rút, bệnh đậu mùa khỉ và giám sát dựa vào sự kiện (EBS) và Quyết định 2171/2022/QĐ-BYT ngày 5/8/2022 về hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong cơ sở KCB. Buổi tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế trong ngành về hoạt động điều tra, giám sát nghi viêm phổi nặng do vi rút theo Quyết định số 5732/QĐ-BYT, giám sát dựa vào sự kiện (EBS) theo Quyết định số 2018/QĐ-BYT và giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022 của Bộ Y tế V/v ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; Tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại trong công tác phòng chống dịch; Triển khai Quyết định 2171/2022/QĐ-BYT ngày 5/8/2022 về hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong cơ sở KCB.
BSCKII.Vũ Thị Thanh Hiếu trình bày báo cáo tại buổi tập huấn
Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ.
Vi rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này thông qua các vết tổn thương trên da, máu, dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, thông qua giọt bắn khi tiếp xúc gần không đeo khẩu trang, hôn, âu yếm, quan hệ tình dục. Bệnh có thể lây gián tiếp qua vật dụng của người nhiễm bệnh và đặc biệt là lây truyền từ mẹ sang thai nhi. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.
- 6 biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ
- Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Nội dung thứ hai của buổi tập huấn là cập nhật hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân do Thạc sĩ Lê Nho Khuê – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn trình bày: Quyết định 2171/2022/QĐ-BYT ngày 5/8/2022 về hướng dẫn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong cơ sở KCB.
Thạc sĩ Lê Nho Khuê báo cáo tại buổi tập huấn
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nước ta ghi nhận hàng loạt biến thể mới xâm nhập thì đây là một nội dung rất cần thiết, mang tính thời sự cao. Buổi tập huấn đã nêu rõ các loại phương tiện phòng hộ, các nguyên tắc sử dụng phương tiện phòng hộ và quy trình mặc – tháo phương tiện phòng hộ đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Qua những hoạt động thiết thực trên, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng đối mặt dịch bệnh với công tác điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hoặc những vấn đề sức khỏe khác ở trẻ Quý phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế để thăm khám. Phụ huynh có thể đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Hotline: 1900588827 để trẻ được thăm khám khám chính xác và kịp thời.
Vũ Thị Linh Lan – Phòng KHTH