PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt giúp giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh.
Ngày 20/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế tại điểm cầu trung ương Hà Nội và 62 điểm cầu tại các Ủy ban nhân dân tỉnh.
Hội nghị tập trung quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đó là thanh toán không dùng tiền mặt đối với viện phí, học phí; và giải pháp, cơ hội cho người dân, bệnh nhân trong xã hội không tiền mặt.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Nhiều lợi ích thanh toán điện tử không dùng tiền mặt
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ hành chính công, viện phí và học phí.
“Hiện nay, ngành y tế đã có khoảng hơn 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, mang lại nhiều tiện ích (như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt), giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, giảm phiền hà, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh”- Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày.
Hiện nay, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp.
Thêm vào đó, kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.
Cơ sở y tế phối hợp ngân hàng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện cho người không có thẻ
Nhận thức rõ lợi ích của thanh toán điện tử, Bộ Y tế triển khai kế hoạch đẩy nhanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với thanh toán viện phí và học phí.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ là một nhiệm vụ chính trị của ngành y tế. Do đó cần quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại. Ảnh minh họa.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, các bệnh viện, cơ sở đào tạo y dược phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử. Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí.
Hội nghị lần này sẽ có báo cáo về các giải pháp không dùng tiền mặt trong ngành y tế, khai trương cổng hỗ trợ thanh toán y tế không dùng tiền mặt, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để đi đến thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện thành công Nghị quyết số 02 của Chính phủ trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, Bộ Công thương công bố hỗ trợ triển khai cùng Bộ Y tế 15 triệu thẻ miễn phí trong Chương trình “Một thẻ Quốc gia”. TS. Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đại diện cho Bộ Công thương đã trao cho PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, đại diện cho Bộ Y tế 15 triệu thẻ trong Chương trình “Một thẻ quốc gia” để triển khai “Thẻ khám bệnh thông minh”, nhằm hỗ trợ người bệnh và các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt.
- PGS.TS Trần Qúy Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế cho biết, qua quan sát và nhận thấy quy trình khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng…. khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những hôm đông bệnh nhân, có lẽ thời gian sẽ kéo dài hơn.
Việc triển các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại bệnh viện, các cơ sở KCB sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ KCB thông thường của đơn vị. Để đảm bảo sự tác động đó không gây ảnh hưởng, hay xáo trộn không tích cực đến bệnh viện, các cán bộ y tế và người dân đến khám, chữa bệnh thì cơ sở KCB phải xây dựng quy trình nghiệp vụ KCB áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị.
BV cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng.
“Không phải chờ đợi xếp hàng, rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; Không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; Người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán. Đây là bước tiến bộ, hiện đại và người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất”- PGS. Tường nói.