Phản ứng sốt được xem là điều bình thường khi cơ thể chống lại những tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Đối với trẻ nhỏ nếu sốt cao không được kiểm soát thì nguy cơ trẻ bị biến chứng là rất lớn, điển hình là co giật. Lúc này cha mẹ cần phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ kết hợp với những cách khác như chườm mát, bổ sung nước và điện giải,… để giúp trẻ hạ thân nhiệt. Những thông tin sau sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu thêm về các thuốc hạ sốt cho trẻ và làm sao để sử dụng thuốc đúng cách
Dựa trên cân nặng, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây sốt cũng như mức độ nghiêm trọng của cơn sốt mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc với liều dùng phù hợp cho trẻ. Hiện nay có 3 loại thuốc hạ sốt phổ biến dành cho trẻ nhỏ đó là: thuốc dạng uống, dung dịch tiêm truyền và viên đặt hậu môn. Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
1. Thuốc hạ sốt cho trẻ dạng uống
Những thuốc được dùng theo đường uống bao gồm các thuốc có hoạt chất:
- Paracetamol
- Ibuprofen
- Loại kết hợp giữa Ibuprofen và Paracetamol
Những thuốc nêu trên được điều chế theo nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng siro, dạng gói bột, viên uống (viên sủi, viên nang, viên nén), cụ thể:
– Dạng siro: thường có vị ngọt, mùi thơm nên khá dễ uống. Dạng này dễ hấp thu hơn dạng viên, phù hợp dùng cho trẻ nhỏ nhưng thuốc khó bảo quản (cần bảo quản trong tủ lạnh nếu thời tiết nóng), thời gian dùng sau mở nắp bị giới hạn. Vì thuốc dạng siro có độ nhớt cao nên trước khi cho trẻ dùng cha mẹ có thể pha loãng thuốc với một chút nước để bé dễ uống hơn.
– Dạng viên uống: ưu điểm là dễ bảo quản nhưng chỉ phù hợp với những trẻ lớn. Để trẻ dễ nuốt hơn cha mẹ nên bẻ đôi viên thuốc ra cho trẻ uống từ từ với nhiều nước;
– Dạng gói bột pha và viên sủi bọt: cả hai loại này khi cho vào nước sẽ tan dần và trở thành hỗn dịch uống, dễ hấp thu, dễ uống và thích hợp cho trẻ nhỏ chưa có khả năng nuốt thuốc nguyên viên.
2. Thuốc hạ sốt cho trẻ dạng tiêm truyền tĩnh mạch
Hoạt chất phổ biến dùng theo đường này đó là Paracetamol
Các thuốc này có ưu điểm là không bị hao hụt hoặc ảnh hưởng do các yếu tố ở đường tiêu hóa. Do đó thuốc có tác dụng nhanh, định lượng liều chính xác, duy trì tác dụng liên tục, phù hợp với những bệnh nhân không uống hay không đặt hậu môn được.
Tuy nhiên cần lưu ý là chỉ dùng thuốc dạng tiêm truyền tại bệnh viện, điều này được thực hiện bởi các cán bộ y tế, thiết bị y tế vô trùng. Thuốc hạ sốt cho trẻ dạng tiêm truyền còn có nhược điểm là có thể gây sốc, đau hoặc nhiễm trùng tại vết tiêm, nghiêm trọng hơn là nguy cơ nhiễm trùng máu nếu không đảm bảo vô trùng trong quá trình tiêm thuốc.
3. Thuốc đặt hậu môn
Hoạt chất thuốc đặt hậu môn đó là Paracetamol
Ưu điểm của các thuốc hạ sốt cho trẻ đường đặt hậu môn đó là dùng được cho những trẻ khó hoặc không hợp tác theo đường uống do trẻ quá nhỏ, hôn mê, nôn trớ nhiều, đang bị tắc ruột,… Bên cạnh đó dạng thuốc này cũng hạn chế được tình trạng kích ứng đường tiêu hóa, vị đắng khó chịu và tác dụng thuốc được phát huy nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên thuốc lại khó bảo quản hơn 2 dạng nêu trên, dễ bị nóng chảy ở nhiệt độ phòng (37 độ C trở lên), do đó để tránh bị chảy thuốc cha mẹ nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thuốc đặc biệt không dành cho những trẻ đang gặp phải vấn đề bệnh lý vùng trực tràng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Phụ huynh nên cho trẻ đi khám trong những trường hợp sau:
- Trẻ dưới 4 tuổi bị sốt 39 độ C trở lên
- Trẻ trên 4 tháng tuổi bị sốt 39 -40 độ C (đã uống thuốc nhưng không giảm sốt)
- Trẻ sốt kèm theo cứng cổ, phồng thóp
- Trẻ bị sốt cao, co giật.
- Trẻ bị sốt tái đi tái lại.
- Trẻ sốt kèm phát ban.
- Đã điều trị tại nhà quá 4-5 ngày vẫn không khỏi hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Trẻ có bệnh nền: ung thư, lupus, tim mạch hay hồng cầu liềm,..
DS Nguyễn Thị Thanh Vân- Khoa Dược.
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh