Tiểu dầm là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên nếu tình trạng này trở nên thường xuyên và số lượng nước tiểu nhiều thì có thể trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe và cần đi khám.
- Nguyên nhân tiểu dầm ở trẻ em
– Di truyền: Nếu bố mẹ trẻ tiểu dầm từ nhỏ thì trẻ rơi vào tình trạng tương tự >70%.
– Dung tích bàng quang nhỏ: ở lứa tuổi nhỏ thì bàng quang của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, do vậy khả năng giữ nước tiểu kém.
– Tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm: Do cơ thể trẻ không sản xuất đủ hormone vasoppessin. Đây là hormone được não sản xuất vào ban đêm để giảm chức năng bài tiết ở thận, tăng tái hấp thu nước vào máu. Nếu cơ thể trẻ có đủ lượng hormone này thì trẻ sẽ ngủ đến sáng mà không cần thức dậy đi tiểu.
– Trẻ không thể thức giấc để đi tiểu: Trẻ ngủ quá say, không nhận biết được tín hiệu của não nên không kiểm soát được bàng quang.
– Táo bón cũng làm cho trẻ rất dễ bị tiểu dầm.
– Do bệnh lý: Khoảng 3% trẻ tiểu dầm ban ngày hoặc ban đêm có thể do một số các bệnh lý: nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường, rối loạn thần kinh…
- Tiểu dầm có gây hại cho sức khỏe của trẻ không?
-Nếu trẻ bị tiểu dầm đơn thuần thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển của em bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiểu dầm xảy ra quá thường xuyên và kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ, cha mẹ. Bản thân đứa trẻ cảm thấy tự ti, xấu hổ, ngại tham gia các hoạt động cộng đồng. Còn cha mẹ cũng rất mệt mỏi, bực bội và dẫn đến sẽ la mắng con mình, làm không khí gia đình căng thẳng, nặng nề.
- Khi nào cần phải đưa trẻ đi khám về bệnh tiểu dầm?
– Tiểu dầm kéo dài trên 5 tuổi,
– Tiểu dầm thường xuyên cả ban ngày và ban đêm,
– Tiểu dầm không liên tục từ bé, lúc bị lúc không,
– Trẻ tiểu dầm kèm theo sụt cân hoặc khát nước,
– Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ…
- Khi đi khám thì trẻ sẽ được khám và làm những xét nghiệm gì?
– Trẻ sẽ được khám lâm sàng toàn trạng để phát hiện những vấn đề bất thường.
– Xét nghiệm: tùy theo khám và hỏi bệnh bác sĩ sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm cần thiết như nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm.
- Lưu ý khi chăm sóc trẻ tiểu dầm
– Hạn chế nước sau bữa ăn tối của trẻ, nếu trẻ quá khát nước hãy cho trẻ uống một ngụm nước nhỏ, không cho trẻ uống sữa, không ăn thức ăn mặn hay ăn hoa quả chứa nhiều nước.
– Không để trẻ bị táo bón, nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ, rau xanh.
– Trước khi đi ngủ hãy cho trẻ đi tiểu thật sạch.
– Không sử dụng bỉm cho trẻ khi ngủ đêm tại nhà.
– Nếu trẻ tiểu dầm, bố mẹ không nên la mắng trẻ, anh chị em trong nhà không nên chọc ghẹo trẻ.
– Hướng dẫn trẻ để trẻ tự mình vệ sinh ga giường, chăn chiếu, quần áo vào sáng mai khi trẻ thức dậy.
– Dùng sổ nhật ký đi tiểu và ghi lại, những đêm trẻ không tiểu dầm thì bố mẹ hãy khen trẻ và dán phiếu thưởng vào sổ. Trẻ sẽ nhìn vào đó để thấy rằng mình có tiến bộ.
Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Bắc Ninh địa chỉ khám và điều trị bệnh uy tín về chuyên ngành Nhi khoa. Nếu trẻ bị những vấn đề liên quan đến đường tiết niệu, đi tiểu bất thường, cha mẹ hãy cho con đến khám để được tư vấn.
BSCKI. Trần Văn Chung- Khoa NNTH
BỆNH VIỆN SẢN NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh