Ban nhiệt là tình trạng da bị phát ban do viêm tấy, nổi những hạt nhỏ li ti hoặc mảng màu hồng, xảy ra khi trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân do các lỗ chân lông bị bít kín, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn do tế bào chết của da hoặc vi khuẩn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ở Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ. Khi tiết trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến cho trẻ nhỏ dễ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Trong đó, Ban nhiệt (phát ban) là tổn thương da phổ biến ở trẻ em vào mùa hè.
Ảnh minh họa
Ban nhiệt là tình trạng da bị phát ban do viêm tấy, nổi những hạt nhỏ li ti hoặc mảng màu hồng, xảy ra khi trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân do các lỗ chân lông bị bít kín, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn do tế bào chết của da hoặc vi khuẩn. Ban nhiệt xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thường gặp ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ vai, lưng, ngực, vùng tã lót, các nếp gấp của cơ thể gây ngứa nhiều từng cơn. Bệnh xuất hiện trong vài ngày và hết nhanh khi nhiệt độ môi trường cải thiện, lúc trẻ ngừng đổ mồ hôi. Tùy mức độ tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi nông hay sâu có 3 dạng ban nhiệt:
Ban hạt kê: Còn gọi là ban bạch, thường gặp ở trẻ sơ sinh, gồm những bóng nước trắng li ti xuất hiện từng đám, không viêm cũng không đỏ xung quanh. Ban hạt kê ít gây ngứa và thường biến mất trong vài giờ đến vài ngày.
Ban kê đỏ: Còn gọi là rôm sảy là dạng thường gặp nhất ở trẻ em. Da đỏ lên, xuất hiện rất nhiều bóng nước rời rạc hoặc thành từng chùm dạng đốm lấm tấm đỏ trên da, gây cảm giác như bị kim châm chích hoặc rát ngứa dữ dội từng cơn. Trẻ bệnh thường gãi nhiều, khó chịu và hay quấy khóc.
Ban kê sâu hay ban kê mủ: Là dạng ít gặp, xảy ra khi trẻ bị nhiều đợt rôm sảy tái đi tái lại. Ban lúc này là những mụn cứng, màu sậm hơn. Dạng này cũng ít ngứa hơn rôm sảy nhưng nguy hiểm vì dễ dẫn đến kiệt sức.
Cách chăm sóc đúng cho trẻ:
Để bảo vệ làn da của trẻ nhỏ mùa nắng nóng các mẹ nên lưu ý làm dịu, mát da trẻ bằng cách cho trẻ chơi, ngủ ở nơi mát mẻ. Không tắm nước nóng, xà phòng dễ gây kích ứng da khiến ngứa, tổn thương da nhiều hơn, có thể dùng các loại sữa tắm chuyên dụng hoặc các loại thảo dược tắm cho bé.
Ảnh minh họa
Khi trẻ bị ban nhiệt, cha mẹ cần chăm sóc đúng bằng cách giữ cho da trẻ mát, sạch và khô để giảm ngứa và giảm các kích thích ở da. Tránh đổ mồ hôi nhiều bằng cách cho trẻ ở nơi thông thoáng, mát mẻ…, ngủ dưới quạt nhẹ. Đối với trẻ sơ sinh, không nên quấn, ủ kín bé. Trẻ biết đi cần hạn chế trẻ chạy nhảy quá nhiều ngoài trời nắng nóng sẽ đổ mồ hôi… sẽ hạn chế tổn thương da rộng hơn.
Hàng ngày cần tắm rửa cho trẻ chú ý các vùng da cọ xát, các nếp kẽ cần nhẹ nhàng tránh tổn thương da. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, bằng chất liệu mỏng và thấm mồ hôi. Cắt ngắn móng tay trẻ để tránh gãi ngứa.
Bên cạnh việc chăm sóc da, vệ sinh cơ thể cho trẻ, các bà mẹ cần cho trẻ ăn uống hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng nhất là trong giai đoạn trẻ bị ban nhiệt. Đối với trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần hạn chế những thực phẩm và gia vị cay nóng, cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Đối với trẻ đã ăn bổ sung, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất như: rau quả, vitamin và chất khoáng, không cho trẻ ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ cay nóng, các loại nước có ga.
Ảnh minh họa
Khi thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám: Tổn thương da lan rộng, trẻ gãi ngứa nhiều hơn, da sưng đỏ, đau,… kèm theo trẻ quấy khóc, sốt, mệt nhiều hơn, vùng da bị ban nhiệt có trầy loét, chảy nước hoặc ban nhiệt không giảm sau 3 ngày nhằm tránh trẻ bị những biến chứng nguy hiểm.
Nếu bố mẹ có thắc mắc khi trẻ bị ban nhiệt do nóng hoặc những vấn đề sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Địa chỉ: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Đường Huyền Quang, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
Hotline: 1900588827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn/
Kim Cúc – Phòng TCCB