Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới, sau ung thư vú và ung thư buồng trứng. Chủ động nhận biết dấu hiệu ung thư cổ tử cung là “chìa khóa” để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài, dấu hiệu ung thư cổ tử cung dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh không có triệu chứng nên rất khó phát hiện nếu không đi khám phụ khoa và xét nghiệm tầm soát định kỳ.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau, khi khối bướu phát triển, xâm lấn xung quanh và có thể đã di căn xa. Chúng thường bao gồm:
- Chảy máu âm đạo bất thường
Đây là biểu hiện ung thư cổ tử cung đặc trưng nhất ở giai đoạn đầu. Tình trạng chảy máu âm đạo bất thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi khám phụ khoa. Mức độ chảy máu ở mỗi người là khác nhau, máu thường đỏ tươi, lượng ít – nhiều, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần tần suất.
- Dịch âm đạo bất thường
Dịch âm đạo (huyết trắng) tiết ra lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hoặc nhầy, trắng đục hoặc xanh như mủ, hoặc lẫn màu hồng của máu, lâu ngày có mùi khó chịu,… là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dấu hiệu huyết trắng bất thường cũng có thể là triệu chứng của các bệnh phụ khoa khác, để đảm bảo chẩn đoán nguyên nhân chính xác, bạn cần đến khám phụ khoa để được bác sĩ xác định.
- Đau khi giao hợp
Tình trạng đau khi quan hệ tình dục là dấu hiệu quan trọng cảnh báo các tổn thương ở đường sinh dục, trong đó có ung thư cổ tử cung mà bạn cần phải lưu ý và tuyệt đối không được chủ quan, hay bỏ qua.
- Đau vùng chậu, đau lưng dưới
Nếu bạn bị đau nhiều vùng thắt lưng, xương chậu, đặc biệt là vùng chậu, vùng lưng dưới cũng là triệu chứng cảnh báo của việc thay đổi ở cổ tử cung. Vì vậy, khi có cơn đau âm ỉ, đôi khi là dữ dội vùng tiểu xương chậu, phụ nữ cần lưu ý thăm khám sớm.
- Khó chịu khi đi tiểu
Khó chịu, gắt buốt, châm chích khi đi tiểu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung. Nếu tần suất đi tiểu nhiều hơn, tiểu tiện mất kiểm soát, nước tiểu có màu, mùi bất thường, đặc biệt đi tiểu ra máu, bạn cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Thông thường, các dấu hiệu ở đường tiết niệu xảy ra khi ung thư đã lan đến các mô lân cận.
- Tiểu không kiểm soát
Người bệnh có thể bị rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón,… hoặc gặp tình trạng tiểu không kiểm soát như đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ, tiểu buốt, tiểu rắt, dòng nước tiểu yếu, đôi lúc kèm máu…
Triệu chứng bất thường trong tiểu tiện rất nguy hiểm, vì nếu đúng là ung thư cổ tử cung thì có nghĩa các tế bào ung thư đã lan rộng ra các bộ phận khác, ngoài cổ tử cung.
- Rối loạn kinh nguyệt
Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm. Chính thời gian, tần số hoặc thay đổi thói quen thường xuyên có thể liên quan đến nguy cơ ung thư cổ cung.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
Dù không đặc hiệu nhưng sụt cân là một trong những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà người bệnh có thể gặp từ sớm. Nếu bị giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn và/ hoặc giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể nhưng không do bất kỳ nguyên nhân cụ thể nào người bệnh nên chủ động đến bệnh viện thăm khám để kiểm tra tình trạng sức khoẻ.
- Liên tục mệt mỏi
Hầu hết các loại ung thư đều gây ra tình trạng giảm cân, chán ăn, sụt cân.
- Sưng đau ở chân
Khi khối u ung thư phát triển lớn dần và lan rộng sẽ gây chèn ép dây thần kinh và làm tắc nghẽn máu không đến được tứ chi, gây sưng và đau chân, tình trạng đau có xu hướng liên tục và tăng nặng theo thời gian. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ đây là biểu hiện báo động ung thư cổ tử cung nên khó để chẩn đoán và phát hiện kịp thời.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Mặc dù ung thư cổ tử cung có thể chữa trị nhưng chính diễn tiến âm ỉ (từ 10-20 năm) khiến người bệnh rất khó phát hiện sớm. Vì vậy, chủ động ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là giải pháp tốt nhất để thoát khỏi căn bệnh quái ác này.
- Chủ động tiêm vắc xin ngừa virus HPV
Virus HPV gây ung thư cổ tử cung và các bệnh lý về đường sinh dục như: ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật,… hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, tiêm vắc xin phòng HPV được xem là “vũ khí” ngăn ngừa đơn giản mà hữu hiệu nhất, để giảm nguy cơ mắc bệnh lý ở nữ giới.
Tại Việt Nam, bé gái từ 9 tuổi trở lên và phụ nữ dưới 27 tuổi được khuyến cáo tiêm vắc xin Gardasil (Mỹ), việc chủng ngừa ở bé gái không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hay đã quan hệ tình dục hay chưa. Theo các nghiên cứu, vắc xin sẽ có hiệu quả cao nhất khi tiêm chủng trong độ tuổi 9-14 tuổi, vì vậy, khi các bé gái từ khi bước qua sinh nhật 9 tuổi phụ huynh có thể đưa con đến cơ sở y khoa, điểm tiêm chủng để tham khảo ý kiến của bác sĩ về dự phòng HPV.
Để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng vắc xin phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh về đường sinh dục do virus HPV, khách hàng có thể gọi đến Hotline: 0836116990.
- Tầm soát phụ khoa định kỳ
Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ giúp phát hiện hiệu quả bệnh ở giai đoạn đầu, đồng thời giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung.
Các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến là phết tế bào cổ tử cung (Pap smear), xét nghiệm HPV. Xét nghiệm Pap smear định kỳ có thể giúp tầm soát bệnh từ sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ bất thường tiến triển thành ung thư. Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm Pap smear 3 năm/ 1 lần.
Phụ nữ từ 30 – 64 tuổi nên thực hiện đồng thời xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV 5 năm/ lần. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện các trường hợp bệnh bị bỏ sót bởi xét nghiệm Pap smear, tăng tỷ lệ phát hiện bệnh từ sớm. Ngoài các mốc thời gian trên, nếu thấy xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, nên đến bệnh viện để thực hiện tầm soát ngay.
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh, an toàn
Ngoài 2 phương pháp trên, để không bị nhiễm virus HPV, trẻ gái và phụ nữ vẫn cần tạo thói quen sinh hoạt khỏe mạnh để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, quan hệ tình dục an toàn, hạn chế sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để phòng tránh bệnh. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để tăng cường đề kháng chống lại bệnh ung thư, phụ nữ nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin E, A, C giàu chất chống oxy hóa như nghệ, cà chua, cà rốt, trà xanh,… để giúp bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do, ngăn ngừa ung thư.
Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất cứ ai, đừng quên lắng nghe những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà cơ thể đang “cầu cứu” để nắm giữ cơ hội vàng tăng tỷ lệ điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn sớm, đảm bảo khả năng làm mẹ, giảm nguy cơ tử vong, chi phí điều trị và chất lượng cuộc sống.
Bác sỹ Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp