Vuông tròn hạnh phúc
Một tiếng khóc – Nhiều nụ cười
Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề Y, cũng là chừng đó năm bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bích Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh đón Tết cùng các sản phụ. Nhớ lại “những cái Tết” ở viện, bác sĩ Thanh chia sẻ nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Chị nhớ: “Đúng khoảnh khắc giao thừa năm đó, một sản phụ mang thai con so ngôi ngược, vỡ ối sớm nhập viện và có chỉ định mổ. Ca mổ an toàn, một bé trai nặng 3,2kg đáng yêu chào đời đầu xuân năm mới xóa tan áp lực tâm lý “đầu xuôi, đuôi lọt” cho cả người nhà lẫn các y bác sĩ ca trực đó”.
Là lãnh đạo phụ trách khối Sản, những ngày Tết điện thoại của bác sĩ Thanh luôn phải bảo đảm sạc đầy pin và trong chế độ thông suốt. Chị chia sẻ “Riêng ngày mồng Một Tết Bính Thân 2016 ghi kỷ lục với 40 ca cả mổ và đẻ tại Bệnh viện”. Đó hẳn là cái Tết đáng nhớ, lúc nào cũng tất bật với các y bác sĩ bởi liên tục có ca nhập viện, chuyển dạ, trong khi kíp trực chỉ có 3 bác sĩ và 4 nữ hộ sinh.
Niềm vui tròn trịa của bác sĩ Sản khoa khi một bé yêu chào đời khỏe mạnh, an toàn.
Với Thạc sĩ, Bác sĩ Hán Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh, người có gần 30 năm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cộng đồng cũng lưu giữ nhiều kỷ niệm với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Với chị, việc trực Tết của các y bác sĩ khoa Sản tuyến tỉnh hiện nay đỡ vất vả và áp lực hơn trước rất nhiều do chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và của chuyên khoa Sản ở tuyến cơ sở nói riêng được nâng cao rõ rệt. Trước đây, khi mổ đẻ gần như là “độc quyền” của tuyến tỉnh thì đến Giao thừa mới được “lót dạ” là chuyện hết sức bình thường với các kíp trực.
Trong những kỷ niệm “nhớ đời” về những ngày trực Tết ở khoa Sản mà bác sĩ Tâm kể, tôi ấn tượng nhất với một ca mổ cấp cứu, cũng thai ngôi ngược vào viện đúng đêm Giao thừa. “Khi sản phụ vào viện, chân em bé đã thò ra ngoài. Thai ngôi ngược, mà em bé thì khá to, cả kíp trực lo lắng, vì nếu em bé mắc đầu, không ra được thì rất nguy hiểm cho em bé, mất cái Tết của bệnh nhân, cũng mất luôn Tết của cả khoa. Vào tình huống đó, trong đầu chúng tôi chỉ nghĩ làm sao để an toàn cho cả mẹ, cả con và chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức, thậm chí không cả kịp làm xét nghiệm. Em bé chào đời nặng 3,7kg, cả nhà sản phụ sung sướng, còn chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm”.
Hằng mong vuông tròn hạnh phúc
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi sản phụ khi mang thai đều được mọi người cầu chúc “Mẹ tròn con vuông”, bởi các cụ nhà ta còn có câu “Chửa là cửa mả” ngầm cảnh báo những bất trắc có thể xảy ra trong kỳ thai sản. Với các y bác sĩ khoa Sản – nơi thường xuyên đón nhận những ca nhiều áp lực như vậy, tiếng khóc chào đời của con trẻ còn mang ý nghĩa “vuông tròn” trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Bác sĩ Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh tâm sự: “Tâm lý chung của sản phụ và người nhà là không ai muốn đi đẻ vào ngày Tết, vì thế, một số người chủ quan, đau đẻ vẫn chờ “sáng trăng” dẫn đến những tình huống cấp bách, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của sản phụ, thai nhi. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân sinh non, chửa ngoài tử cung, tiền sản giật… vẫn được thực hiện đúng quy trình, khoa học. Bệnh viện cũng quán triệt đến toàn khoa và các kíp trực Tết tinh thần vui Xuân mới không sao nhãng chuyên môn, luôn nâng cao y đức, ý thức trách nhiệm với mục tiêu mỗi gia đình, sản phụ và y bác sĩ được đón Tết tròn trịa, vui tươi, hạnh phúc”.
Với các bác sĩ Sản khoa, những ký ức vui nhiều vô kể, vì mỗi bé yêu cất tiếng khóc chào đời là bao nụ cười đáp lại, nhưng nơi đây, cũng không ít những ca trực Tết nhiều trăn trở. Bác sĩ Thanh trầm lắng: “Không ít sản phụ vào viện đẻ dịp Tết không có người nhà đi cùng và họ hầu hết đều là mẹ đơn thân hoặc có cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Chúng tôi rất thương cảm và chia sẻ với họ bởi trong những giây phút cần nhất sự động viên thì lại buộc phải “vượt cạn” một mình. Người thì bà chủ nhà trọ đưa nhập viện, người thì một mình tay xách nách mang và cả tuần nằm viện không có người chăm, các y bác sĩ thay nhau chăm sóc cả mẹ lẫn con. Sản phụ khác khi bệnh viện báo phải 3 ngày sau người nhà mới xuống tới nơi do ở miền núi, phải đi bộ hơn 1 ngày mới tới điểm bắt xe. Cũng có trường hợp không thể liên lạc với người nhà, bệnh viện phải báo Công an địa phương nhờ liên lạc giúp…”.
Bác sĩ Tâm nhớ mãi cái Tết cách đây 15 năm, khi đó, bản thân chị qua nhiều năm mong đợi mới đang có bầu. Ca trực đêm Giao thừa tiếp đón một sản phụ 40 tuổi, nhìn cách ăn mặc của chồng sản phụ có thể thấy gia cảnh khó khăn, vất vả. Đây là lần sinh nở thứ 7 và sản phụ cứ rấm rứt khóc từ lúc đến bệnh viện cho đến khi ra viện chỉ bởi em bé vẫn là gái. “Đây là ca đẻ khó, sản phụ bị huyết áp cao, phải dùng thủ thuật Forceps em bé. Vậy nhưng khi em bé vừa chui ra, sản phụ ngồi bật dậy nhìn xem con là trai hay gái với hy vọng mong manh kỹ thuật siêu âm (khi đó các phòng khám mới có máy siêu âm) sai sót và em bé là trai. Đến lúc chắc chắn em bé là gái, sản phụ khóc như mưa, tôi trấn an: “Nếu chị không nuôi được thì để tôi nuôi, tôi còn đang mong con bao lâu mà chưa có đây”, chị ấy mới bớt xúc động. Khi ra viện, chị ấy bảo: “Nếu bác sĩ nuôi con em thật thì em cho, chứ người khác nuôi em cũng không cho, em lại nuôi vậy”. Câu chuyện ấy cứ làm tôi day dứt mãi bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn quá nặng nề, niềm vui, thiên chức làm mẹ bao người mong ngóng vì thế chưa thực sự tròn trịa”.
Vĩ thanh
Xuân vui tươi đang đến gần, ấm áp xiết bao khi nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm làm nghề rất đời, rất người của các y bác sĩ. Những câu chuyện dung dị nhưng ẩn chứa tình người cảm động hẳn sẽ tiếp thêm khoáng chất để những giá trị nhân văn sâu sắc mỗi ngày đều đâm chồi, nảy lộc trong cuộc sống này.